Nhu cầu về xăng dầu chạm đáy khiến các nhà máy lọc dầu tồn kho ở mức cao là nguyên nhân khiến UBND tỉnh Quảng Ngãi, nơi đặt nhà máy Lọc dầu Dung Quất phải gửi văn bản "cầu cứu" Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ điều phối các doanh nghiệp giảm nhập khẩu xăng dầu, ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy trong nước.
Nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến hơn 20 tỉnh/thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh. Cụ thể, tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm tới 70 – 80%, các tỉnh, thành không thực hiện giãn cách, nhu cầu tiêu thụ cũng giảm tới 30% do hạn chế lưu thông liên tỉnh.
Tình trạng này dẫn tới lượng tồn kho của nhà máy lọc dầu Dung Quất ở khoảng trên 200.000 m3 sản phẩm xăng dầu các loại (tương đương 1,2 triệu thùng) và gần 400.000 m3 dầu thô (tương đương 2,4 triệu thùng).
Nhà máy đã phải giảm công suất xuống còn 90% (mức công suất kỹ thuật tối thiểu) từ ngày 3/8, tiến hành gửi kho 25.000 m3 xăng 95 và có kế hoạch gửi thêm khoảng 100.000-120.000 m3 ngay trong tháng 8 để đảm bảo duy trì vận hành nhà máy, thậm chí, có nguy cơ ngưng hoạt động vì tồn kho quá lớn.
PGS,TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả
KHÔNG THỂ ÉP BUỘC DOANH NGHIỆP NHẬP HÀNG THEO KIỂU MỆNH LỆNH
Trao đổi với BizLIVE về vấn đề này, PGS,TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động kinh doanh xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường kiểu thuận mua vừa bán, không thể cấm họ mua chỗ này, chỉ mua chỗ kia được.
Hiện nay, do nhu cầu tiêu thụ giảm thì ngay cả việc nhập khẩu xăng dầu cũng giảm theo. Nhưng cũng không vì thế mà bắt buộc theo kiểu mệnh lệnh để các công ty xăng dầu phải mua toàn bộ sản phẩm từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước. Nếu làm như vậy thì môi trường kinh doanh sẽ không lành mạnh.
Để "cứu" các nhà máy lọc dầu trong nước cần phải xem lại hoạt động kinh doanh của các nhà máy này. Chỗ nào giá và chất lượng tốt thì các doanh nghiệp họ nhập khẩu, vì vậy muốn giảm lượng tồn kho thì cần giảm giá thành, nâng cao chất lượng chứ không chỉ trông chờ vào việc "giải cứu" của Nhà nước.
Ngoài ra, việc ép buộc các đầu mối kinh doanh xăng dầu không được nhập khẩu cũng vi phạm các cam kết trong Hiệp định thương mại quốc tế cũng như các hợp đồng đã ký kết.
"Hiện nay, sản phẩm của 2 nhà máy lọc dầu trong nước có thể đáp ứng được khoảng 75 - 80% nhu cầu của thị trường trong nước nhưng Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều hơn do giá cao hay do chất lượng không đạt bằng sản phẩm của nước ngoài? Điều này chính bản thân các nhà máy phải xem xét để tự giải quyết", ông Long nhấn mạnh.
CẢI TỔ LẠI DOANH NGHIỆP ĐỂ TỰ GỠ KHÓ
Về đề xuất giảm giá xăng để kích cầu người tiêu dùng, PGS,TS. Long cho rằng, mấu chốt là giá đầu vào của các đơn vị phân phối xăng dầu bởi hiện giá xăng dầu trong nước lên xuống theo giá xăng dầu thế giới do nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Để gỡ khó cho các nhà máy lọc dầu chỉ có thể là bản thân nhà máy tự gỡ khó bằng việc nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng suất lao động tiến tới hạ giá thành. Khi giá bán cho các đơn vị phân phối giảm tự khắc giá xăng sẽ giảm theo và khuyến khích được nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giãn cách xã hội như hiện nay, nhu cầu của người dân sẽ không tăng nhiều ngay cả khi giảm giá xăng bởi người dân bị hạn chế đi lại, thậm chí bị cấm ra khỏi nhà. Vì vậy, cần tính tới phương án xuất khẩu xăng dầu để giảm mức tồn kho, tuy nhiên giá bán và chất lượng vẫn là yếu tố tiên quyết cần có nếu muốn xuất khẩu xăng dầu. Đây cũng là giải pháp đã được Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đưa ra, tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Bảo, Quyền Chủ tịch Hiệp hội, hiện nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn còn vướng vấn đề hoàn thuế VAT và đang kiến nghị tới các bộ, ngành để gỡ khó.
Ở điều kiện bình thường, hai nhà máy lọc dầu có thể đáp ứng gần đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do đó, trong các giải pháp, Hiệp hội vẫn ưu tiên đề xuất phương án sử dụng xăng dầu trong nước trong thời điểm giãn cách, đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp. Sau đó, mới tính đến phương án xuất khẩu.