Cụ thể, có thời điểm toàn Nhà máy đạt công suất 114% và một số dây chuyền/phân xưởng công nghệ đã được khai thác tối đa hệ số dự phòng lên đến 115%, 120%, 130% công suất như phân xưởng sản xuất hạt nhựa 115%, phân xưởng xử lý Naphtha từ 130 - 135%.
Đến nay, Nhà máy đã tháo gỡ được các giới hạn kỹ thuật và tận dụng tối đa hệ số dự phòng. Trong đó, các phân xưởng công nghệ tăng từ 115 - 130% so với công suất cơ sở, dựa trên kết quả nghiên cứu của các Nhà bản quyền công nghệ và các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.
Đặc biệt, trong năm 2022 và đầu năm 2023, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất vận hành lên 112%, góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu khi nguồn cung trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài bị thiếu hụt.
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, BSR cũng đàm phán với các chủ mỏ về khả năng gia tăng sản lượng khai thác và bổ sung thêm nguồn dầu thô cũng như tăng nguồn nhập khẩu, mua thêm các lô nguyên liệu trung gian để phục vụ khai thác tối ưu tăng công suất của Nhà máy.
BSR cũng cho biết việc tăng công suất là sử dụng tối ưu hệ số dự phòng thiết bị và luôn nằm trong giới hạn thiết kế của thiết bị tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đặc biệt, BSR đã xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, kiểm soát, đánh giá các giải pháp kỹ thuật để tăng công suất vận hành tối đa một cách an toàn và hiệu quả.
Cùng đó, áp dụng quy trình đánh giá rủi ro và quản lý thay đổi, áp dụng các giải pháp, công cụ quản lý tiên tiến nhằm đánh giá hiệu suất của thiết bị và khả năng xử lý, vận hành tăng thêm, nhưng luôn nằm trong giới hạn thiết kế của từng thiết bị, cụm thiết bị và dây chuyền công nghệ.
Với các giải pháp kỹ thuật để hoạt động ở công suất cao, năm 2022, BSR đã sản xuất trên 7 triệu tấn xăng dầu các loại (vượt 7% so với kế hoạch), góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được thiết kế với công suất 6.5 triệu tấn dầu thô/năm. Các phân xưởng công nghệ được thiết kế bởi các Nhà bản quyền hàng đầu thế giới như UOP của Mỹ với các phân xưởng xử lý tăng RON của xăng (NHT/CCR/IZOMER), phân xưởng xử lý xăng, nhiên liệu phản lực từ MERICHEM (Mỹ), phân xưởng Cracking xúc tác và xử lý Diesel của AXENS/IFP (Pháp), phân xưởng sản xuất hạt nhựa từ MCI (Nhật Bản).
Kể từ khi vận hành thương mại vào tháng 2/2009 đến nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chế biến được hơn 90 triệu tấn dầu thô và cung cấp ra thị trường 83,8 triệu tấn sản phẩm. Nhà máy hiện sản xuất khoảng 6,5 triệu tấn sản phẩm các loại/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu năng lượng của Việt Nam.