Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiệt hại tối đa do tác động của đại dịch Covid-19 và cú sốc giảm giá dầu diễn ra cuối quý I và kéo dài trong suốt quý II/2020.
Thị trường diễn biến phức tạp
Sau khi lập đáy 13,24 USD/thùng vào ngày 21/4/2020 kéo theo giá dầu trung bình trong tháng 4 ở mức 18,55 USD/thùng, dẫn đến giá dầu trung bình trong quý II/2020 ở mức 29,20 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với kịch bản giá trước đại dịch Covid-19 của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu đã đến lúc kỳ vọng kết quả kinh doanh này bắt đầu phục hồi?
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, BSR đã không đề cập cụ thể kế hoạch sản xuất kinh doanh 2020 do giá sản phẩm xăng dầu biến động mạnh. Trước dịch Covid-19, BSR đã đặt mục tiêu lợi nhuận là 1,3 nghìn tỷ đồng trên doanh thu là 80,3 nghìn tỷ đồng và tổng sản lượng đầu ra là 5,56 triệu tấn. Kế hoạch này đươc xây dựng từ cuối năm 2019 dựa trên giả định giá dầu xoay quanh 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và cú sốc giảm giá dầu diễn ra cuối quý I và kéo dài trong suốt quý II đã khiến các kịch bản kinh doanh của Công ty liên tục thay đổi. Quý I/2020 BSR ghi nhận lợi nhuận âm.
Chưa có con số cuối cùng do doanh nghiệp đang thực hiện soát xét báo cáo tài chính, song lãnh đạo BSR chia sẻ, với giá dầu trung bình trong năm 2020 dao động trong khoảng 40 USD/thùng như hiện nay, khoảng chênh lệch giữa giá sản phẩm và giá dầu thô (crack spread) có nhiều thời điểm tiếp tục ghi nhận con số âm. Như sản phẩm Mogas 95 được coi là sản phẩm chủ lực mang lại doanh thu và lợi nhuận cho BSR nhưng trong tháng 4 cũng ghi nhận crack spread trung bình của tháng là - 2,98 USD/thùng.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất giúp Công ty giảm thiểu tổn thất trong thời gian qua là công tác tiết kiệm, tiết giảm chi phí một cách triệt để. |
Hàng loạt giải pháp giảm thiệt hại
Nhìn vào bức tranh tổng thể của ngành lọc dầu thế giới, chưa thể kỳ vọng một kết quả kinh doanh quý II của BSR khởi sắc được. Tuy vậy, bằng nhiều giải pháp, những nỗ lực của BSR trong cuộc chiến với tác động kép đã giảm tối đa thiệt hại.
Cụ thể, BSR đã vận hành nhà máy an toàn, liên tục và ổn định ở công suất tối ưu; linh hoạt điều chỉnh chế độ vận hành theo nhu cầu thị trường, nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho giá cao để có chỗ chứa cho các lô dầu thô giá thấp.
BSR đã tận dụng cơ hội mua spot (hợp đồng chuyến) dầu thô trong nước với phụ phí thấp hơn hợp đồng term (hợp đồng dài hạn) với mục tiêu đảm bảo tồn kho dầu thô và sản phẩm trước bảo dưỡng tổng thể lần 4 ở mức phù hợp, gia tăng cơ hội kinh doanh. Ngoài ra công ty cũng đã chủ động được ký hợp đồng mua dầu thô cho 100% nhu cầu sản xuất trong quý III và khoảng 65% nhu cầu trong quý IV 2020 với mức phụ phí trung bình thấp hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm.
Trong công tác tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh nỗ lực giải phóng hàng kịp thời, BSR đã tìm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm trung gian có giá trị cao để nâng cao hiệu quả SXKD. Việc này còn mở ra cơ hội cho BSR trong việc phát triển thị trường cho dòng dòng sản phẩm mới có hiệu quả cao hơn.
Theo chia sẻ của lãnh đạo BSR, một trong những giải pháp quan trọng nhất giúp Công ty giảm thiểu tổn thất trong thời gian qua là công tác tiết kiệm, tiết giảm chi phí triệt để. Đây không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn đòi hỏi BSR tìm tòi nhiều giải pháp sáng tạo, để có kết quả đột phá giúp BSR nâng cao sức cạnh tranh. Ước chi phí tiết giảm trong 6 tháng đầu năm khoảng 975 tỷ đồng và mục tiêu trong cả năm 2020 công ty sẽ tiết giảm 1.500 tỷ đồng.
BSR kỳ vọng, kết quả kinh doanh có thể bắt đầu được cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2020. |
BSR cũng đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát tốt dòng tiền, đảm bảo duy trì hoạt động SXKD liên tục cho Công ty. Đơn cử như chủ động làm việc với nhà cung cấp dầu thô giãn thời gian thanh toán, giảm cước vận chuyển; làm việc với ngân hàng để vay các khoản ngắn hạn lãi suất ưu đãi,... qua đó giúp công ty vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất trong tháng 4, 5/2020.
Trong bối cảnh hàng loạt công ty dầu khí thế giới bao gồm cả các nhà máy lọc dầu rơi vào cảnh thua lỗ hàng tỷ đô la Mỹ hay bị phá sản, những kết quả trên đã cho thấy nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam, trong đó có BSR nhằm xoay chuyển nghịch cảnh.
Ban lãnh đạo BSR kỳ vọng, kết quả kinh doanh có thể bắt đầu được cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2020 nếu dịch Covid-19 không bùng phát trở lại, giá dầu và giá sản phẩm biến động sát với điểm hòa vốn trong các kịch bản kinh doanh điều chỉnh giai đoạn sau dịch bệnh.
(Nguồn: Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR)