Vừa qua, NSRP đã phát đi một thông báo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là thông tin về việc huỷ nhập 2 tàu dầu thô do đang phải đối mặt khó khăn về tài chính.
Đặc biệt, doanh nghiệp này cũng thông tin về nguy cơ dừng hoàn toàn hoạt động nhà máy lọc dầu từ giữa tháng 2/2022 sau khi đã phải tiết giảm công suất hoạt động.
NSRP đang là đối tác cung ứng xăng dầu lớn nhất cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước và đang cung cấp khoảng 35% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước. Do đó, động thái này của NSRP đã khiến các doanh nghiệp xăng dầu nội địa đứng ngồi không yên.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
Trao đổi với Nhadautu.vn , ông Hoàng Tất Thành – Trưởng phòng Quản lý Doanh nghiệp và Lao động Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho biết, thông tin nhà máy dừng hoạt động vào đầu tháng 2/2022 đã có từ trước Tết nguyên đán, tuy nhiên, đến bây giờ thì chúng tôi khẳng định nhà máy vẫn đang hoạt động và vận hành bình thường.
Theo báo cáo tổng hợp của phòng Quản lý Doanh nghiệp và Lao động Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, kế hoạch sản xuất tháng 1/2022, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất 224.800 tấn Xăng A95; 429.100 tấn Dầu Diesel; Benzen 18.600 tấn…Tuy nhiên, nhà máy sản xuất Xăng A95 được 197.595 tấn (đạt 87,8%). Trong kế hoạch có sản xuất Dầu Diesel nhưng nhà máy này không sản xuất mà thay vào đó là sản xuất Xăng A92 (14.479 tấn); nhiên liệu phản lực JetA1 (335.786 tấn) và cấu từ trung gian (DSAR) với sản lượng 42.573 tấn.
Dự kiến trong tháng 2/2022, Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sản xuất 172.600 tấn Xăng A95; 34.200 tấn Xăng A92; 338.000 tấn Dầu Diesel…
Ông Đỗ Văn Thắng – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn cho hay, NSRP là đơn vị đóng góp ngân sách lớn nhất cho Hải quan Thanh Hóa và đóng vai trò rất lớn trong an ninh năng lượng quốc gia.
Năm 2021, NSRP nhập 32 chuyến tàu dầu thô, số lượng 8,76 triệu tấn (63 triệu thùng), với tổng số tiền lên đến 4,393 tỷ USD. Trong tháng 1 đến giữa tháng 2/2022, NSRP nhập 3 chuyến với số lượng 831.000 tấn (5,9 triệu thùng), với tổng số tiền 473,1 triệu USD, ông Thắng thông tin.
Theo ông Thắng, hiện tại dầu thô đang chịu thuế 10% VAT, bình quân một chuyến tàu Nhà nước thu khoảng hơn 300 tỷ đồng tiền thuế. “Theo kế hoạch đăng ký với Bộ Công Thương, năm 2022, NSRP nhập khẩu 36 chuyến, một tháng bình quân khoảng 3 chuyến. Tuy nhiên, trong tháng 2/2022, NSRP chưa nhập chuyến nào”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cho rằng, trong tháng 2/2022 NSRP chưa nhập chuyến tàu dầu thô nào là do nhiều lý do, nhưng lý do chủ quan là họ bảo dưỡng định kỳ nhà máy vì kế hoạch của nhà máy năm nay sẽ bảo dưỡng vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3.
NSRP được thành lập năm 2008, hiện có vốn điều lệ 50.400 tỷ đồng, với 4 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) góp 12.650,4 tỷ đồng (tương đương 25,1%); Công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét (KPE) góp 17.690,4 tỷ đồng (35,1%); Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) góp 17.690,4 tỷ đồng (35,1%) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) góp 2.368,8 tỷ đồng (4,7%).
Tuy nhiên, từ khi đi vào vận hành đến nay, dự án này chìm trong thua lỗ. Sau 3 năm đi vào hoạt động, mức lỗ của NSRP tổng cộng 61.200 tỷ. Vốn chủ sở hữu đã âm hơn 11.000 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 đạt 86.675 tỷ thì năm 2020 chỉ còn 74.848 tỷ đồng.