CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UpCOM: BSR) vừa công bố BCTC soát xét với LNST hợp nhất giảm mạnh về 704 tỷ đồng. Trên BCTC riêng, LNST sau soát xét là 729 tỷ đồng, giảm 177 tỷ so với báo cáo tự lập.
Lý giải về điều này, BSR cho biết chênh lệch là do việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại BCTC sau soát xét tăng 120 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, bởi giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho (dầu thô, thành phẩm) tại thời điểm kiểm toán thấp hơn so với thời điểm công ty tự lập báo cáo.
Giá dầu thô và sản phẩm trong tháng 7 có chiều hướng giảm. Giá bình quân cả tháng 7 (thời điểm lập BCTC sau soát xét) thấp hơn giá dầu thô, sản phẩm bình quân trong 17 ngày đầu tháng 7 (thời điểm công ty tự lập báo cáo).
Ngoài ra, một số chi phí của tháng 6/2017 nhưng nhận được hồ sơ sau ngày chốt số liệu báo cáo trước soát xét dẫn đến ghi nhận thiếu chi phí và đã được ghi nhận bổ sung trong báo cáo soát xét.
Nhìn chung, nửa đầu năm tổng doanh thu Công ty đạt 50.863 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 704 tỷ đồng. So với kế hoạch, Công ty lần lượt thực hiện được 52% kế hoạch doanh thu và 24% chỉ tiêu lợi nhuận.
Kết quả khá thất vọng với giới đầu tư, theo đó cổ phiếu BSR trên thị trường cũng giảm sút nặng nề. Theo giới phân tích, sở dĩ lợi nhuận BSR kém khả quan chủ yếu do: (1) giá xăng và dầu diesel biến động mạnh và thấp trong 6 tháng đầu năm, theo đó biên xăng RON95 và dầu diesel trung bình đạt lần lượt 7,62USD/thùng và 6,93USD/thùng, thấp hơn 41% và 28% so với trung bình năm 2018; và (2) ngừng hoạt động do sự cố kỹ thuật 7 ngày từ 10/6 đến 16/6 (Chứng khoán Bản Việt ước tính sản lượng sẽ giảm 140.000 tấn còn BSR phải chịu chi phí đưa nhà máy trở lại hoạt động).
Mặt khác, kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc xác định giá trị tổn thất của khoản đầu tư vào CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF), tương đương giá trị dự phòng đầu tư tài chính dài hạn đã trích lập vào 30/6/2018 và quyết định sử dụng toàn bộ giá trị khoản dự phòng đã trích lập để bù đắp tổn thất tại thời điểm chuyển thành CTCP với số tiền 536 tỷ đồng. Giá trị này có thể thay đổi tùy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
BSR cho biết đã xác định giá trị tổn thất đầu tư tài chính vào BSR-BF theo số lỗ lũy kế tương ứng với phần vốn góp nên toàn bộ khoản dự phòng này được sử dụng để bù đắp tổn thất. Hiện cơ quan chức năng chưa có quyết định về việc phê duyệt quyết toán cổ phần hóa nên kiểm toán chưa thu thập đủ bằng chứng về giá trị tổn thất tại BSR-BF.
Bên cạnh đó, kiểm toán cũng đưa ý kiến nhấn mạnh rằng BSR-BF đã tạm ghi tăng nguyên giá các tài sản cố định của dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất trong năm 2014. Hiện BSR-BF đang trong quá trình thực hiện các thủ tục quyết toán chi phí đầu tư và các kiến nghị của Chính phủ. Tại ngày ngày 30/6, khoản lỗ lũy kế và thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn của BSR-BF dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục công ty con này.
Theo BSR, giá trị ghi tăng nguyên giá cá tài sản của Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất với số tiền 1.790 tỷ đồng. Giá trị này có thể thay đổi khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền. Công ty đánh giá kế hoạch kinh doanh và tài chính của BSR-BF, bao gồm hợp đồng hợp tác với một số đối tác để vận hành lại nhà máy và cho rằng cơ sở lập BCTC cho công ty con này theo nguyên tắc hoạt động liên tục là phù hợp.