Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa công bố số ước tình hình kinh doanh quý 1/2021 với tổng sản lượng sản phẩm tiêu thụ đạt 1,56 triệu tấn, vượt 2,9 % kế hoạch quý. Tương ứng, doanh thu ghi nhận gần 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 1.803 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 2.245 tỷ đồng.
Năm 2021, BSR đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 70.661 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng, dựa trên kịch bản giá dầu 45 USD/thùng. Song, nhu cầu đang dần cải thiện do dịch Covid-19 dần được kiểm soát, thậm chí nhu cầu nhận dầu diesel và xăng ở mức cao đang đẩy giá dầu tăng mạnh trở lại. Tính đến cuối tháng 3, giá dầu Brent tăng chạm mốc 70 USD/thùng, giúp công tác sản xuất kinh doanh BSR có nhiều thuận lợi.
Thậm chí, sự cố con tàu Ever Given dài 400 mét đã bị mắc kẹt trên Kênh đào Suez kể từ ngày 23/3 đang tác động làm đình trệ hoạt động vận tải trên kênh đào nhỏ hẹp nối châu Âu và châu Á. Hệ luỵ gây trầm trọng thêm các vấn đề của các tuyến vận tải biển, vốn đã đối mặt với sự gián đoạn và chậm trễ về nguồn cung. Đặc biệt, loạt tàu chở dầu nhỏ cùng các sản phẩm khác như naphtha, dầu nhiên liệu… đang bị nghẽn lại, theo một thống kê hiện có trên 30 tàu chở dầu đang đợi ở bên kia của kênh đào kể từ ngày 23/3.
Trở lại với BSR, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo mới nhất nhận định lợi nhuận của BSR phụ thuộc nhiều vào giá dầu. Crack spread (chênh lệch giữa giá của một thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ nó) rất thấp trong năm 2020, đôi khi ở mức âm, khiến Công ty chịu lỗ đáng kể trong hai quý đầu năm. Tuy nhiên, giá dầu có thể đủ mạnh để crack spread của một số sản phẩm phục hồi.
Đánh giá sơ bộ, VDSC cho rằng crack spread xăng RON 95 và dầu Diesel đã bật tăng trở lại trong khi crack spread nhiên liệu bay vẫn chịu sức ép trong bối cảnh nhu cầu đi lại bằng đường hàng không phục hồi chậm. Do BSR không sử dụng các công cụ hedging (phòng ngừa rủi ro) và mua dầu theo giá quốc tế, lợi nhuận ngắn hạn của BSR thường rất nhạy với loại hàng hóa thường xuyên biến động mạnh này.