Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và giới hạn cấp tín dụng đối với cổ đông lớn và các bên liên quan tình trạng sở hữu chéo , chi phối và lũng đoạn tổ chức tín dụng (TCTD) đang là một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian vừa qua. Để giảm thiểu tình trạng này, Luật Các TCTD (sửa đổi), đã đưa ra các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn; giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan so với quy định trong Luật các tổ chức tín dụng 2010.
Theo đó, kể từ ngày 01/07/2024 cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một TCTD (bao gồm cả sở hữu gián tiếp); Một tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD (bao gồm cả sở hữu gián tiếp); Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một TCTD. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của một TCTD không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một TCTD khác. Đồng thời, Luật bổ sung quy định công bố thông tin đối với cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, những vấn đề liên quan đến sở hữu chéo , chi phối tổ chức tín dụng;... sẽ có tác động nhiều nhất đến hoạt động của các ngân hàng niêm yết. Tuy nhiên, bà đánh giá Luật Các TCTD sửa đổi sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần giúp hệ thống hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với chuẩn quốc tế.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận xét, những quy định nêu trên khắt khe hơn so với quy định hiện hành. Đặc biệt, đối với quy định các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của TCTD phải cung cấp thông tin, đồng thời các TCTD phải thực hiện công bố công khai minh bạch thông tin của các cổ đông này, theo ông Đức, sẽ giúp cho Ngân hàng Nhà nước dễ quản lý hơn.
Nêu đánh giá về các quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông và một nhóm cổ đông liên quan tại một TCT, theo quy định tại Luật Các TCTD (sửa đổi) TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng thừa nhận, quy định được thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn.
Cụ thể, một cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% (như quy định tại Luật hiện hành), một tổ chức không sở hữu vượt quá 10% (hiện nay đang là 15%) và một nhóm cổ đông liên quan không sở hữu vượt quá 15% (hiện nay đang là 20%) vốn điều lệ của một TCTD.
Cùng với đó, quy định về người có liên quan cũng (khoản 24, Điều 4) được làm rõ và rộng hơn đáng kể so với quy định hiện nay, đặc biệt với bên có liên quan là cá nhân. Quy định này góp phần hạn chế khả năng một nhóm cổ đông sở hữu đa số cổ phần, từ đó góp phần giảm sở hữu chéo , thao túng hoạt động của TCTD (như trường hợp tại Ngân hàng SCB vừa qua).
Bên cạnh đó, Luật các TCTD sửa đổi cũng đưa ra quy định chuyển tiếp đối với nội dung này (những cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao hơn giới hạn cho phép, trước khi Luật có hiệu lực) vẫn sẽ được giữ nguyên (không phải bán ra cổ phần), nhưng sẽ không được phép tham gia vào các đợt phát hành cổ phần mới của ngân hàng để đảm bảo tỷ lệ sở hữu hiện tại sẽ giảm dần về giới hạn theo lộ trình đến năm 2029, qua đó đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các cổ đông hiện hữu.
Tuy nhiên, theo TS Lực tính hiệu lực, hiệu quả của quy định này còn phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi sau này, nhất là việc tuân thủ công bố thông tin, đảm bảo thực chất, công khai, minh bạch và kịp thời…
Luật Các TCTD mới bổ sung quy định tăng tính công khai, minh bạch nhiều hơn (Điều 49). Ngoài ra, danh sách các cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của TCTD sẽ được công bố công khai. Điều này, theo ông Lực được kỳ vọng làm tăng tính minh bạch và giám sát đại chúng đối với các TCTD (kể cả các TCTD chưa niêm yết), góp phần làm giảm tình trạng sở hữu chéo , theo túng TCTD. Tuy nhiên, giống như trên, tính hiệu lực, hiệu quả của quy định này còn phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi sau này, nhất là việc tuân thủ công bố thông tin một cách thực chất, minh bạch và kịp thời…
Chia sẻ với PV, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Kinh tế thì cho rằng, Luật Các TCTD (sửa đổi) là bước tiến mạnh mẽ trong việc nỗ lực xử lý các "lỗ hổng" trong hoạt động của TCTD. Ông đánh giá, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và tỷ lệ vốn cho vay như quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là phù hợp.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, các quy định này không phải là biện pháp trọng yếu để ngăn sở hữu chéo . Trên thực tế, các cá nhân, tổ chức vẫn luôn tìm nhiều cách để "lách" được các quy định như vậy nhằm tăng cổ phần thực tế. Chẳng hạn như việc thuê, nhờ người đứng tên cổ phần để gia tăng phần sở hữu nhằm chi phối, kiểm soát tại một số TCTD.
Đồng tình, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cũng chỉ ra các điểm "tiến bộ" trong Luật Các TCTD (sửa đổi) lần này như: Mở rộng các đối tượng liên quan để đưa vào kiểm soát; Các cơ quan giám sát, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước sẽ nhìn vào bản chất của vấn đề để đưa ra câu chuyện xử lý một cách thực chất hơn; Công bố thông tin và kiểm soát thông tin chặt chẽ hơn;...
Với ý kiến cho rằng, quy định hiện tại đã chặt chẽ hơn song các cá nhân, tổ chức vẫn luôn tìm nhiều cách để "lách" được các quy định như vậy, ông Long nhấn mạnh: Luật ra để sàng lọc "sạn". Chính vì vậy, càng sàng được nhiều sạn càng tốt và vẫn có thể lọt.
"Khi chúng ta có một luật rõ ràng, cụ thể, đặt ra các giới hạn cao hơn và một nền tảng pháp lý tốt hơn thì có thể chỉ lọt 1 viên sạn thay vì 3,4 viên. Hơn nữa, quy mô viên sạn cũng nhỏ hơn", ông nói.
Ông cũng cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu như quy định trong Luật sửa đổi sẽ khiến cho cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng, nhưng trên góc độ của cổ đông dài hạn sẽ rất tốt. Bởi, trước đây dồn hết tín dụng vào lĩnh vực rủi ro hiện nay quản trị tốt hơn giúp ngân hàng phát phát triển lành mạnh hơn.