Trong bản tin nhà đầu tư mới công bố, Tập đoàn Lộc Trời (LTG) có ghi nhận các tác động tiềm tàng của dịch virus Corona mới lên hoạt động kinh doanh. Chi tiết, sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch 2020, dịch Corona đang nổi lên như một vấn đề nghiêm trọng, có ảnh hưởng to lớn lên nền kinh tế và hoạt động thương mại toàn cầu vì Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chiếm đến 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
The Economist Intelligence Unit (EIU) ước tính dịch virus Corona mới có thể làm giảm GDP thực tế của Trung Quốc từ 0,5 đến 1% so với mức dự báo cơ sở là 5,9%. Tác động chính xác đối với các nền kinh tế ngoài Trung Quốc rất khó đo lường tại thời điểm hiện tại, vì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thời gian cần thiết để khống chế dịch, phương thức xử lý khủng hoảng của Trung Quốc và các quốc gia, LTG cho hay.
Hiện tại, phía Trung Quốc đã kéo dài thời gian nghỉ Tết Âm lịch đến 9/2/2020 và hạn chế đi lại tại nhiều khu vực bị ảnh hưởng.
Về phía chính phủ Việt Nam, các chuyến bay từ các khu vực bị ảnh hưởng đến Việt Nam và ngược lại đã bị tạm dừng, và công tác phòng dịch đối với các thuyền viên, hành khách tại các cửa khẩu trên bộ và khu vực cảng biển đang được thắt chặt.
Trong bối cảnh đó, LTG đánh giá các tác động tiềm tàng của dịch bệnh do virus Corona mới lên các hoạt động kinh doanh có liên quan như sau:
Thứ nhất, đối với việc nhập khẩu nguyên liệu ngành thuốc BVTV: Năm 2019, khoảng 45% nguyên liệu thuốc BVTV của LTG được nhập khẩu từ Trung Quốc thông qua đường biển từ các cảng phía Đông Trung Quốc như Thượng Hải và Giang Tô - cách xa các khu vực bị ảnh hưởng. Do đó, việc tạm dừng các chuyến bay từ các khu vực bị ảnh hưởng đến Việt Nam và ngược lại, cũng như việc thắt chặt kiểm soát tại biên giới trên bộ của 2 nước Việt – Trung dự kiến sẽ không ảnh hưởng xấu đến hoạt động nhập khẩu của LTG.
Một tác động tiềm năng có thể là thiếu nguồn cung tạm thời và giá tăng theo vì các nhà cung cấp sẽ không trở lại sản xuất cho đến giữa tháng 2. Tác động dù vậy sẽ không quá lớn trong tương lai gần, vì LTG đang duy trì một mức tồn kho nguyên liệu phù hợp thông qua các hoạt động nhập hàng từ quý 4/2019.
Thứ 2, liên quan đến mảng xuất khẩu gạo: Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu gạo của LTG năm 2019. Các đơn hàng từ Trung Quốc vốn có lượng đặt nhỏ và rải rác từ đầu năm 2019. Vì vậy, LTG cho biết không kỳ vọng có thay đổi đáng kể nào về nhu cầu từ thị trường này sau khi bệnh dịch được khống chế vì hiện tại lượng tồn kho gạo tại Trung Quốc vẫn còn khá cao sau khi thu hoạch vụ chính, thu mua từ các nước khác như Cam-pu-chia, Thái Lan, Lào, Burma... Công ty cũng đang vận chuyển gạo đến Trung Quốc bằng đường biển, do đó các hoạt động vận chuyển dự kiến không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Cuối tháng 1/2020, số dư phải thu từ các khách hàng Trung Quốc là 0 đồng, do vậy LTG đánh giá không thấy có bất kỳ rủi ro nào về thu hồi công nợ.
Hiện, LTG vẫn liên tục đánh giá tình hình và giám sát mọi tác động tiềm tàng với các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Công ty và sẽ cố gắng giảm thiểu thông qua các kế hoạch thay thế nếu cần thiết.
Về LTG, năm 2019 Công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 8.310 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế hơn 334,5 tỷ đồng, giảm hơn 19%. Được biết, doanh thu thuần giảm chủ yếu do giá bán thanh lý hàng tồn kho cũ của ngành lương thực.
Mặt khác doanh thu của các ngành chính khác – thuốc BVTV và giống giữ nguyên so với năm 2018, nhưng có sự phân hóa về tăng trưởng của các nhóm sản phẩm. Trong khi nhóm thuốc sâu, thuốc cỏ, và nhóm thuốc khác tăng lần lươt 27%, 19%, và 6%, nhóm thuốc bệnh và dinh dưỡng cây trồng giảm lần lượt 9% và 26% chủ yếu do giá bán gạo thương phẩm giảm nên người nông dân giảm nhu cầu sử dụng đối với các sản phẩm thuốc BVTV và dinh dưỡng trên cây lúa.
Động lực tăng trưởng của năm 2019 là các sản phẩm Glyphosan – thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất glyphosate, Pexena 106SC – thuốc diệt rầy, và thuốc diệt chuột Racumin. Ở đầu ngược lại, doanh số sản phẩm Totan – thuốc chuyên trị bạc lá lúa kém khả quan hơn do tỷ lệ phát sinh các loại bệnh do vi khuẩn trong kỳ thấp.
Về nhóm lương thực, doanh thu xuất khẩu năm 2019 giảm 28%, chủ yếu do sụt giảm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Bù lại, trong năm đã có sự chuyển dịch sang các thị trường khác như Philippines, Ghana, Hồng Kông, EU. Vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn SRP đã tạo tiền đề gia tăng thị phần tại các thị trường có yêu cầu cao như Châu Âu, Nhật, Singapore, Canada, Australia. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gạo thơm, gạo trắng hạt dài, và gạo giống Nhật.
Tại thị trường nội địa, doanh thu cũng giảm 28%, tuy nhiên có sự phân hóa rõ về tăng trưởng của các phân khúc. Cụ thể, doanh thu vào 2 phân khúc cao và trung cấp đều tăng trưởng, nhất là phân khúc trung cấp tăng mạnh tới 125%.