“Các quốc gia gần nhau thì thường cạnh tranh nhau. Việt Nam và Thái Lan nào giờ tưởng là cạnh tranh lúa gạo. Nhưng thực tế mới đây đoàn nghị sĩ bên Thái đã có buổi gặp gỡ với Lộc Trời để chia sẻ và nghe chia sẻ về kinh nghiệm làm lúa gạo. Hai bên rất có ý thức trong việc làm đối tác với nhau để sản xuất lúa gạo bền vững, tăng giá trị lúa gạo, giảm giá thành và chia sẻ lợi nhuận với bà con nông dân. Trong khuôn khổ lần này, hai bên cũng hợp thức hoá tài chính lớn, vốn là vấn đề lớn trong ngành”, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Lộc Trời (LTG) – chia sẻ tại lễ ký kết Hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn mới đây.
Theo đó, LTG được rót vốn bởi 7 ngân hàng lớn trong và ngoài nước, có Kbank (ngân hàng Kasikorn của Thái Lan). Gói tín dụng có hạn mức 100 triệu trong thời gian 3 năm và sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động trong các hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao.
Được biết, KBank thành lập bởi gia tộc Madam Pang, là ngân hàng lớn thứ ba của Thái Lan tính theo tổng tài sản (124,3 tỷ USD) và đứng thứ hai về tổng dư nợ cho vay (73,8 tỷ USD). Đầu năm nay, KBank tuyên bố kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam, mục tiêu giải ngân khoảng 20 tỷ baht (~560 triệu USD) vào năm 2023.
Trở lại với lần ký kết này, ông Sittiphat Chariyakul Kbank, Chi nhánh Tp.HCM, cho biết KBank sẽ cùng với MBBank là 1 trong 2 ngân hàng đầu mối trong giao dịch hợp vốn 100 triệu USD cho LTG. Như vậy, từ đầu năm đến nay, LTG đã 3 lần ký kết vay vốn với tổng hạn mức lên đến 19.500 tỷ đồng, mục đích bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất và cung ứng của LTG.
Đại diện LTG còn dự báo con số nhu cầu vốn thời gian tới của Tập đoàn đâu đó hơn 1 tỷ USD. Bởi, LTG đang hợp tác phát triển 1 triệu ha đất nông nghiệp. Tương ứng, nhu cầu vật tư cho sản xuất (bao gồm vật tư, giống, dịch vụ nông nghiệp khác) ước tính vào khoảng 1 tỷ USD. Theo lộ trình, LTG dự mất 3 năm cho các chương trình hợp tác và thu xếp lượng vốn này.
“LTG nói những gì mình làm và làm những g ì mình nói”, ông Thòn khẳng định với các nhà đầu tư. Ghi nhận, LTG năm nay đã thành công mang thương hiệu Cơm ViệtNam Rice vào thị trường châu Âu và bày bán trên kệ của hai hệ thống đại siêu thị châu Âu và Pháp (Carrefour và Leclerc). Đây còn đánh dấu thành công bước đầu của vị thế lúa gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế. Thống kê đến tháng 10/2022, sản lượng Cơm ViệtNam Rice của LTG bán đạt trên 400.000 tấn.
Về ngành, tờ Bangkok Post hồi tháng 9/2022 đã dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on cho biết thỏa thuận đạt được sau các cuộc thảo luận với Việt Nam về giá gạo xuất khẩu. Động thái này nằm trong chiến lược chung hiện nay, cụ thể những nước xuất khẩu gạo được biết sẽ tìm cách để giá sản phẩm nông nghiệp cao hơn. 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (theo 2021) là Ấn Độ (19,5 triệu tấn), Việt Nam (6,4 triệu tấn) và Thái Lan (6,2 triệu tấn); sau đó là các nước như Pakistan (4 triệu), Mỹ (3 triệu), Trung Quốc (2,3 triệu). Theo các chuyên gia, điều này là cần thiết khi mà chi phí trồng lúa đã tăng gấp đôi sau 2 năm tại Thái Lan.
6 tháng năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt hơn 3,5 triệu tấn, trị giá 1,72 tỷ USD, tăng gần 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu.