Từ diện tích bỏ hoang, nay vùng đất bãi Soi Cộc ở xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) đã sinh sôi hai con đặc sản rươi và cáy. Khi vùng đất này được quy hoạch sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho người dân.
Cấy lúa, trồng chuối kém hiệu quả, người dân thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) đã bỏ hoang khoảng 10 ha đất bãi Soi Cộc ngoài đê sông Luộc. Ai cũng thấy thật lãng phí, nhưng may thay việc này lại vô tình trở thành môi trường lý tưởng để cho 2 con đặc sản tự nhiên là rươi và cáy sinh sôi.
"Lộc trời"
Xắn một miếng đất to ở mặt ruộng trũng đã ráo nước của gia đình ở bãi Soi Cộc, anh Đào Văn Quang từ từ bửa từng thớ nhỏ kiểm tra sự phát triển của con rươi. "Thấy chưa! Rươi đấy, nhiều lắm, con nào cũng dài, đỏ mọng. Chỉ tầm một tháng rưỡi nữa thôi là sẽ cho thu hoạch", anh Quang hồ hởi nói.
Một số người dân ở thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh đã khai thác rươi, cáy từ 2 năm nay nhưng còn làm ăn manh mún, tự phát |
Lại gần bờ ruộng, anh Quang lật một đống cỏ khô tức thì hàng chục con cáy chạy nháo nhào như ong vỡ tổ. "Tầm chiều này cáy vào lỗ hết rồi chứ như sáng ra thì nhiều như trấu. Cứ cách vài ngày tôi lại đặt bẫy cáy một lần, mỗi lần bán được mấy trăm nghìn, bằng mấy lần cấy lúa", anh Quang cho biết thêm.
Phần lớn đất bãi Soi Cộc mà gia đình anh Quang và một số hộ dân đang khai thác rươi, cáy là đất công điền, được UBND xã Hà Thanh giao thầu từ nhiều năm trước. Khu bãi này chỉ cách sông Luộc vài chục bước chân. Những năm trước, trên diện tích này nông dân chủ yếu trồng chuối, cấy lúa. Do hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều diện tích bị bà con bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Khoảng 2 năm trước, một số người dân cải tạo diện tích đất bãi Soi Cộc làm nơi gieo mạ thì phát hiện có nhiều rươi, cáy cùng phát triển. Thế là họ bảo nhau cải tạo ruộng, làm kênh dẫn nước từ sông vào để tạo môi trường thuận lợi cho rươi, cáy sinh sôi. Bà con còn rủ nhau sang những xã ven sông Thái Bình ở cùng huyện như An Thanh, Tứ Xuyên có nhiều diện tích khai thác rươi, cáy để học hỏi kinh nghiệm. Ông Nguyễn Văn Lợi, một người dân thôn Hữu Chung có ruộng khai thác rươi, cáy tại đây thông tin: "Có cả thảy 7 hộ đang làm, vẫn là manh mún và tự phát nhưng hiệu quả kinh tế thì đã thấy rõ qua 2 năm khai thác. Năm ngoái, bình quân mỗi nhà thu được khoảng 60-70 kg rươi, bán được hai ba chục triệu ngon ơ mà chẳng tốn mấy chi phí đầu tư".
Chỉ tay về phía khu đất trồng chuối đối diện khu bãi Soi Cộc, ông Nguyễn Trọng Tải, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Thanh bảo đó là 2 khu bãi Dại và Láng, rộng chừng 60 ha. Kết quả thăm dò của HTX và bà con cho thấy rươi, cáy xuất hiện khá nhiều. Chỉ cần cải tạo ruộng, mở thêm kênh rạch, đưa nước từ sông Luộc vào là 2 con đặc sản tự nhiên này sẽ có môi trường phát triển ổn định. Ngoài ra, diện tích đất bãi ngoài đê sông Luộc rộng khoảng 10 ha thuộc thôn Bình Cách cũng bắt đầu có vài nhà cải tạo ruộng để khai thác rươi, cáy.
Một số hộ có diện tích ruộng ở khu bãi Soi Cộc quả quyết vụ rươi tới mỗi sào ít nhất cũng phải cho thu hoạch từ 15-17 kg, cao tương đương những vùng khai thác rươi ven sông Thái Bình. Nếu diện tích khai thác được mở rộng, hiệu quả kinh tế sẽ lớn gấp nhiều lần, người dân vùng "rốn nước" Hà Thanh sẽ có cơ hội đổi đời nhờ "lộc trời" cho.
Không chỉ khai thác rươi, cáy, người dân Hà Thanh còn có thể tăng thêm nguồn thu từ việc trồng chuối, đu đủ, cây gia vị trên bờ. Ông Tải còn tính toán đến viễn cảnh tốt đẹp xa hơn: "Hiện nay, tuyến đường từ trung tâm xã xuống khu vực đất canh tác ngoài đê thôn Hữu Chung đã được trải bê tông rộng rãi, xe ô tô tải đi lại thoải mái. Ở đây có khu nuôi thả cá lồng rộng lớn, cảnh đẹp nên thơ. Tới đây mà có khu khai thác rươi, cáy nữa thì hoàn toàn có thể biến nơi này thành khu du lịch trải nghiệm hấp dẫn, nếu được chính quyền quan tâm".
Quy hoạch thành vùng khai thác
Bí thư Đảng ủy xã Hà Thanh Nguyễn Văn Huấn cũng khẳng định địa phương giàu tiềm năng khai thác rươi, cáy. Xã đã quy hoạch vùng khai thác rươi, cáy ở thôn Hữu Chung, đang chờ UBND huyện phê duyệt. "Khi quy hoạch được phê duyệt, chúng tôi đề nghị huyện tạo điều kiện cho địa phương mở thêm 2 cống lấy nước từ sông Luộc vào khu vực khai thác rươi, cáy. Tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp để vận động nhân dân tham gia khai thác 2 con đặc sản tự nhiên này một cách hiệu quả và bền vững nhất", ông Huấn nói.
Nếu "mỏ" rươi, cáy ở Hà Thanh được khai thác trong 1-2 năm tới, diện tích khai thác con đặc sản tự nhiên của huyện Tứ Kỳ sẽ tăng lên đáng kể, giá trị ngành sản xuất nông nghiệp cũng sẽ được cải thiện.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Thanh Nguyễn Trọng Tải gọi đây là "mỏ" rươi, cáy mới phát lộ. Theo ông Tải, mấy chục năm trước, khi môi trường nước chưa bị ô nhiễm, rươi, cáy ở khu vực sông Luộc qua địa bàn xã Hà Thanh cũng có khá nhiều. Sau này, do quá trình canh tác, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, cộng với nhiều nguyên nhân khác nên con rươi dần biến mất. Riêng con cáy vẫn còn nhưng không nhiều như xưa. "Có thể sau một vài năm ít có tác động của con người đã tạo ra môi trường thuận lợi để rươi, cáy phát triển trở lại ở khu bãi Soi Cộc. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ, bởi theo kết quả kiểm tra thăm đồng của chúng tôi thì mỏ rươi, cáy của Hà Thanh còn lớn gấp nhiều lần", ông Tải khẳng định.
Bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ đánh giá cao tiềm năng rươi, cáy ở xã Hà Thanh. Khẳng định huyện sẽ nghiên cứu, xem xét ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ địa phương đầu tư cho lĩnh vực này trong thời gian sớm nhất.
(Theo Báo Hải Dương)