Sau khi TP.HCM và Hải Phòng công bố đề án xây dựng “thành phố trong thành phố”, giá đất, giá nhà tại 2 địa phương này đã tăng theo chiều thẳng đứng.
Năm 2020, TP.HCM gây bất ngờ khi đồng ý đề án xây dựng thành phố sáng tạo Thủ Đức, dựa trên diện tích của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũ.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, giá đất, giá nhà tại khu vực này đã tăng theo chiều thẳng đứng. Trong chưa đầy 1 năm, giá trị các sản phẩm bất động sản đã tăng từ 30% - 50%, thậm chí có nơi tăng gấp đôi.
Cụ thể, tại phường Trường Thọ (quận Thủ Đức), nơi được quy hoạch làm trung tâm thành phố mới Thủ Đức, giá đất mặt đường đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, dao động từ 70 - 120 triệu đồng/m2, tăng 20% so với 4 tháng trước và tăng gần 40% so với cuối năm 2019. Các khu vực khác tại quận 9 và quận Thủ Đức cũng tăng 20%, dao động từ 30 triệu - 70 triệu đồng/m2.
Giá đất ở Thủ Đức tăng vọt sau khi nơi này được nâng cấp lên thành phố. Ảnh minh họa |
Trong khi đó, tại quận 2, nhiều vị trí tại các phường An Phú, An Khánh và phường Thạch Mỹ Lợi, đã thiết lập “đỉnh” giá lên tới 140 triệu đồng/m2, tăng 30 triệu đồng so với thời điểm cuối năm 2019.
Giống như TP.HCM, Hải Phòng là địa phương thứ 2 chấp nhận chủ trương xây dựng thành phố Thủy Nguyên, dựa trên diện tích của huyện Thủy Nguyên cũ.
Chỉ trong 1 tháng, sau khi có thông tin huyện Thủy Nguyên được “nâng cấp” lên thành phố, giá nhà, giá đất cũng tăng rất nhanh, dao động từ 15% - 30%. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm đầu năm 2020, giá đất, giá nhà tại đây đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.
Đơn cử, các lô đất nằm trên mặt đường 359 thuộc các xã Thủy Sơn, Thủy Đèo, An Lư đã tăng từ 20 - 40 triệu đồng/m2 lên 40 - 60 triệu đồng/m2. Cá biệt, các lô đất nằm gần với UBND xã Núi Đèo, giá đất đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2.
Tương tự, giá đất tại các xã Lưu Kiếm, Quảng Thanh, Lưu Kỳ, Minh Tân;... tăng từ 18 triệu - 30 triệu đồng lên 25 - 40 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại khu tái định cư Bắc Sông Cấm, giá đất cũng tăng từ 35 - 40 triệu đồng/m2, lên 55 - 70 triệu đồng/m2.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông An Tiến Hưng, chuyên gia bất động sản tiết lộ: Lợi dụng đề án xây dựng “thành phố trong thành phố”, giới “cò” đất đã dùng nhiều thủ đoạn để khiến giá đất tăng từng ngày.
Lột trần các thủ đoạn này, ông Hưng nói: “Hiện nay, có nhiều thủ đoạn khiến giá đất tăng cao. Ví dụ như, “cò” đất gom đất ruộng số lượng lớn để găm hàng, chờ ngày tăng giá. Cũng có trường hợp, “cò” thương lượng tỷ lệ ăn chia với chủ đất để độc quyền rao bán nhà cửa, đất đai, từ đó tha hồ hét giá sản phẩm;...”
Có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) khẳng định: Giá đất tăng vọt ở Thủ Đức hay Thuỷ Nguyên đều là hiện tượng chung của thị trường, khi có các thông tin về xây dựng hạ tầng, hoặc các đề án mới phát triển thành phố.
Bên cạnh đó, ông Đính cho rằng, hiện nay, ở trung tâm các thành phố lớn như TP.HCM hay Hải Phòng, quỹ đất để phát triển nhà ở, bất động sản đang rơi vào trạng thái suy kiệt. Do đó, khi có các thông tin về hạ tầng hay chính sách mới ở các khu vực ven đô, gần như dòng vốn mới sẽ dịch chuyển từ trung tâm và các vùng lân cận.
Phó Chủ tịch VARS chia sẻ, khi Hải Phòng quyết định xây dựng thành phố Thủy Nguyên, hoặc TP.HCM phát triển thành phố Thủ Đức, về cơ bản đã làm thay đổi các bản quy hoạch đã được quyết định trước đó. Vì vậy, trong tương lai, 2 địa phương này sẽ phải nghiên cứu lại để thay đổi bản quy hoạch mới.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa có nhiều thông tin về quy hoạch thành phố mới Thủ Đức hay Thủy Nguyên. Do đó, hầu hết nhà đầu tư rót tiền theo dạng “tin đồn”.
“Đang có hiện tượng nhà đầu tư tìm tới Thủy Nguyên và Thủ Đức theo dạng tin đồn, cứ thấy có phong trào là người dân nhào vào và có hiện tượng đẩy giá, thổi giá lên cao, như vậy rất nguy hiểm và chỉ là “con rối” nằm trong tay giới “cò” đất”, ông Đính nói.
Để hạn chế các chiêu trò làm tăng “ảo” giá trị bất động sản, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, chính quyền các địa phương cần phải hành động quyết liệt để kiểm soát giá đất, bằng cách công bố chi tiết về kế hoạch phát triển. Đồng thời, cung cấp cho người dân về thông tin quy hoạch, chỗ nào quỹ đất được làm hạ tầng, chỗ nào làm dự án nhà ở;....
“Phải quản lý chặt và xử lý đối với những trường hợp vi phạm mua bán, chia tách đất vườn, đất rừng làm xáo trộn cuộc sống yên bình ở vùng đó. Tôi được biết, đã có nhiều dự án được đồng ý về mặt chủ trương, nhưng địa phương không phát triển được, có nhiều hệ luỵ xảy ra mà người dân thiệt hại là chính”, Phó Chủ tịch VARS khẳng định.
(Theo Nhà Báo và Công Luận)