Cô bạn ấy cùng khóa đào tạo với tôi khi vào công ty làm việc, vèo cái con gái chuẩn bị lấy chồng, lên ông lên bà rồi, mà cuộc sống vẫn nhiều khó khăn quá. Bạn xuống xưởng rồi còn tôi băn khoăn với lời giải cho công nhân quá tuổi?
Đầu tư FDI (Foreign Direct Investment) - công ty đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài, thời gian đầu hội nhập, mở cửa, được dỡ bỏ các lệnh cấm vận, là giải pháp cho nhiều lao động Việt Nam. Ngày đó, nếu so sánh về tiền lương thì số lương FDI trả cao hơn hẳn khối nhà nước. Đi làm cho FDI là một cái mác khá sang trọng khi tiền lương được tính bằng “đô”. Chất lượng đầu vào FDI được tuyển chọn kĩ càng, với bài thi toán, ngoại ngữ khắt khe hơn thi đại học, vòng phỏng vấn với nhiều câu hỏi hóc búa. Nói không quá là hẳn một lứa tinh hoa của lao động Việt Nam đầu quân cho các doanh nghiệp FDI giai đoạn cuối thập niên 90 đầu 2000.
Nhận thấy thị trường nhân công Việt Nam giá rẻ lại có chất lượng cao, các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam. Giày da, may mặc thì Trung Quốc, lắp ráp thành phẩm thì Nhật Bản, đồ điện tử gia dụng, điện lạnh thì Hàn Quốc, công nghệ và cơ khí chính xác thì Mỹ… Tỉ lệ tăng trưởng, đầu tư FDI tăng vùn vụt, lượng công nhân làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế tăng nhanh, chiếm tỉ trọng cơ cấu lớn về nhân lực trong các thành phần kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người, nhà nước cũng thu được nguồn thuế tương đối từ các doanh nghiệp FDI .
Vấn đề đặt ra: FDI phần lớn là các công ty con của tập đoàn công ty mẹ, đầu tư sang Việt Nam để tận dụng giá nhân công rẻ, điện, nước, tiền thuê đất, phí bảo dưỡng, chế độ ưu đãi về thuế… do chính sách khuyến khích đầu tư. Các bí kíp công nghệ, nguyên phụ liệu đều không hề nội địa hóa, phần lớn là nhập nguyên vật liệu sau đó gia công lắp ráp rồi xuất khẩu.
Lao động trong các doanh nghiệp FDI sẽ đi đâu, về đâu khi họ lớn tuổi, không đủ sức khỏe lao động?
Nhân công làm việc trong các công ty FDI này chỉ phần nhỏ có các kĩ năng nghiệp vụ chuyên môn như kế toán, quản trị hành chính, ISO... là học được cách quản lý vận hành, có chế độ lương bổng, đãi ngộ tương xứng. Còn lớp công nhân dưới xưởng sản xuất, họ hoàn toàn thao tác, vận hành tại dây chuyền lắp ráp chứ không hề có thêm kinh nghiệm, kĩ năng gì để trang bị cho mình khi ra khỏi nhà máy. Họa chăng là vài thứ như 5 S hay rèn được tính giữ vệ sinh không xả rác bừa bãi.
Họ làm việc lâu năm, cống hiến sức lực tuổi xuân cho nhà máy với mức lương cao hơn mức lương tối thiểu, nhưng gần như không có tích lũy. Khổ cái có tí tích lũy lại cố cho bằng bạn bằng bè mua cái điện thoại đang mốt, cái xe ga thời thượng thế là tiền tiền kiệm bay theo gió. Mà điện thoại, xe máy thì khấu hao nhanh hơn cả giấc mơ với “miếng da lừa”.
Hơn hai mươi năm trôi qua, họ ngày đêm làm việc trong nhà máy, cố tranh thủ tăng ca, thêm giờ, bán sức lực để tăng thêm thu nhập. Độ tuổi tăng theo thời gian, gánh nặng kinh tế khi con cái lớn hơn đè nặng trên vai họ, trong khi lương tăng không thể theo kịp giá của lạm phát. Nếu quy đổi ra vàng hay giá đất thì lương chỉ tăng ở con số còn giá trị thực có lẽ bị đi lùi.
Tuổi cao sức khỏe kém đi, kèm theo bao nhiêu là gánh nặng, họ không còn đáp ứng được tốc độ của dây chuyền, không đảm bảo năng suất, trong khi mức lương thâm niên lại cao, chủ doanh nghiệp không dại gì ôm lượng lao động có sức ỳ lớn này. Việc tuyển lao động mới được thực hiện liên tục vì thao tác tại dây chuyền rất giản đơn. Chỉ cần đào tạo ngắn hạn là người mới đáp ứng được, với tốc độ chất lượng không hề thua kém, nếu không muốn nói là nhanh hơn, do trẻ khỏe hơn. Nguy cơ thành bị thải hồi khi quá độ tuổi 45 là tương lai hiện hữu của không ít lứa công nhân già trong doanh nghiệp FDI. Dù không bị thải hồi thì cũng “tự thải hồi” khi không đủ sức khỏe, thể lực để theo kịp tốc độ của dây chuyền.
Họ sẽ đi đâu làm gì khi rời nhà máy? Rời công việc quen thuộc khi bao năm họ quen với dây chuyền lắp ráp khi ra ngoài mọi thứ lại trở thành mới mẻ và lạ lẫm. Có người nói vui chắc rắc thóc ra họ sẽ vào mổ vì như gà công nghiệp. Kiến thức kĩ năng họ có không thể giúp ích được khi bước chân ra ngoài. Việc chuyển giao công nghệ lập công ty vệ tinh cung ứng, bí kíp công nghệ để nội địa hóa chỉ là câu chuyện trên giấy. Đồng ruộng thì thu hẹp, đất nông nghiệp còn ít lại có cơ giới hóa, họ không cởi áo công nhân để làm nông nghiệp được nữa, quá tuổi mất rồi. Bao năm làm việc vẫn là căn nhà trọ tồi tàn, mức lương thì “ráo mồ hôi là hết tiền”, về quê cũng dở, ở không xong.
Tương lai nào đang chờ những công nhân già trong doanh nghiệp FDI? Câu trả lời dành cho các nhà hoạch địch chính sách lao động, tiền lương, xã hội.