Trải qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản từng rơi vào tình cảnh đóng băng, tiếp đến nóng sốt cục bộ. Đến đầu năm 2022, giá bất động sản vẫn tăng mạnh, thậm chí nhiều khu vực giá tăng bằng lần.
Thống kê của batdongsan.com.vn mới đây ghi nhận, thị trường bất động tại nhiều tỉnh thành vẫn sôi động, nhưng mức độ quan tâm đất nền cả nước giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2021, các tỉnh phía Bắc, phía Nam giảm lần lượt 11 và 12%, nhưng giá rao bán vẫn ở ngưỡng cao, tiếp tục tăng thêm.
Cụ thể, tại Hà Nội, mức độ quan tâm đất nền Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai đều giảm trung bình hơn 10%, giá rao bán lại tăng lần lượt 20%, 21%, 11%, 26%. Một số địa phương khác, như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng ghi nhận lượng quan tâm sụt giảm lần lượt 32%, 22%, 7% giá rao bán tăng tương ứng 16%, 35%, 29%. Tương tự với thị trường phía Nam, mức độ quan tâm đất nền Bình Dương, Đồng Nai đều giảm 13%, giá rao bán tăng lần lượt 27% và 7%.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ghi nhận tình trạng tăng giá mạnh ở phân khúc đất nền khu vực vùng ven, các tỉnh thành. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tốc độ tăng giá dù vẫn xuất hiện song tốc độ thanh khoản chậm.
Theo đơn vị này, nguyên nhân khiến giá nhà đất tăng gia là do nguồn cung trên thị trường giảm mạnh do việc thắt chặt pháp lý cùng với những chi phí đầu vào tăng cao là nguyên nhân chính đẩy giá nhà đất.
Bên cạnh đó, tâm lý đầu cơ hình thành trong bối cảnh lạm phát do khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid-19 cũng khiến giá nhà đất tăng mạnh.
(Ảnh minh hoạ)
Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, một số nơi sốt đất cục bộ theo thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường…, kèm theo đó là tình trạng giá đất nền các khu vực tăng theo các dự án. Đáng chú ý, giá nhà đất liên tục lập mặt bằng giá mới ở nhiều nơi, song lượng giao dịch chỉ đạt mức thấp. Điều này làm dấy lên nghi vấn xuất hiện bong bóng cục bộ
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định: Giá nhà tăng nhưng thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện bong bóng cục bộ. Đáng chú ý, giá nhà cũng leo thang theo giá đất và lập mặt bằng giá mới ở nhiều nơi, song lượng giao dịch chỉ đạt mức thấp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn cũng cho hay: "Sau 2 năm chống chọi với dịch Covid-19, mặt bằng giá BĐS tại hầu hết các thị trường đều không giảm mà còn tăng, liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Nghi vấn về "bong bóng" bất động sản bắt đầu xuất hiện khi giá liên tục được đẩy lên cao trong khi thanh khoản trên thị trường không tăng tương ứng".
Ở góc độ là doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào thị trường, phân phối dòng sản phẩm đất nền, trước câu hỏi: "Thị trường có đang xảy ra dấu hiệu bong bóng", ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing cho rằng, sư thời gian tăng trưởng mạnh như vừa qua, thị trường cần cần những cú đi ngang như thế này để có thể hấp thụ được khung giá mới.
Ông Thắng phân tích: "Thị trường bất động sản hiện tại đang có những động thái thăm dò nhiều hơn từ nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhưng lại là cơ hội cho những nhà đầu tư lớn đi gom hàng, những điều chỉnh và những dự thảo ví dụ như: Nghị quyết 18-NQ/TW, có đưa ra một số giải pháp về rà soát thuế hoặc là người có nhiều nhà đất sẽ bị đánh thuế cao. Điều này cũng tác động tới tâm lý đầu tư, tuy nhiên theo tôi việc này chưa thể triển khai được. Thị trường hiện tại như một chiếc lò xo đang được nén lại để chờ sức bật mạnh vào quý 4 năm nay, khi mà nhiều yếu tố thuận lợi cho bất động sản được hiện thực rõ hơn".
Cũng theo ông Thắng, thị trường sẽ không xảy ra tình trạng cắt lỗ đồng loạt. Với những nhà đầu tư thời gian vừa qua mua bằng tiền túi, tiền gửi tiết kiệm rút ra mua thì sức chịu đựng của họ rất tốt. Thêm nữa, tâm lý nhà đầu tư hiện tại không còn là những cú ăn lướt mà là những chiến lược đầu tư dài hơi hơn nên việc để bán lỗ những bất động sản là điều rất khó.