Sống trên đống tiền
Tháng 12 năm ngoái, viên kim cương “hòa bình” đã được tìm thấy Koryardu ở Sierra Leone, một quốc gia nằm ở Tây Phi. Theo tổ chức trang sức Rapaport, viên kim cương này lớn thứ ba được tìm thấy ở quốc gia Tây Phi và lớn thứ 14 trên thế giới. Cuộc bán đấu giá sau đó đã thu về 6,5 triệu USD.
Ước tính, Sierra Leone cung cấp tới 65% lượng kim cương trên toàn thế giới. Viên kim cương lớn nhất suốt 100 năm qua được tìm thấy ở mỏ khai khoáng tại Botswana năm 2015, nặng 1.111 carat
Đầu năm 2018, viên kim cương lớn thứ 5 trong lịch sử mới được tìm thấy tại mỏ Letseng, ở Lesotho, một quốc gia ở cực Nam châu Phi. Nó nặng 910 carat và có giá trị khoảng 40 triệu USD. Mỏ kim cương Letseng vốn nổi tiếng là nơi khai thác những viên kim cương cỡ lớn và chất lượng, có giá bán bình quân cao nhất trên thế giới.
Mỏ kim cương tại châu Phi |
Theo Gem Diamonds, viên kim cương có chất lượng vượt trội. Ben Davis, nhà phân tích kim cương của công ty Liberum Capital, Anh, nhận định viên kim cương có giá trị khoảng 40 triệu USD.
Letseng vốn đã nổi tiếng là mỏ kim cương lớn với chất lượng cao. Những viên kim cương được tìm thấy tại đây thường có giá bán trung bình cao nhất thế giới. Năm 2015, Gem Diamonds đã bán một viên kim cương nặng 357 carat được tìm thấy ở đây với giá 19,3 triệu USD. Trước đó, năm 2006, công ty đã tìm thấy ở Letseng viên kim cương Lesotho Promise nặng 603 carat.
Viên kim cương lớn nhất từng được tìm thấy trên thế giới là viên Cullinan, nặng 3.106 carat, phát hiện ở Pretoria, Nam Phi vào năm 1905. Nó được cắt thành hai viên, mang tên Great Star of Africa và Lesser Star of Africa, được gắn lên bộ sưu tập trang sức hoàng triều Crown Jewels của nước Anh.
Viên kim cương lớn thứ nhì là Lesedi La Rona nặng 1.109 carat mà Lucara Diamond tìm được. Thứ ba và thứ tư là viên Excelsior nặng 995 carat và viên Star of Sierra Leone nặng 969 carat.
Theo thống kê của Hội đồng Kim cương thế giới, 65% sản lượng kim cương của thế giới nằm tại châu Phi. Các nhà phân tích ngành kinh doanh kim cương cho biết, ước tính sản lượng kim cương toàn cầu hàng năm khoảng 8,46 tỷ USD và doanh số bán lẻ là 58,7 tỷ USD.
Đằng sau những lấp lánh
Đằng sau sự hào nhoáng được quy đổi ra cara này, những viên kim cương có xuất xứ từ châu Phi lại ẩn chứa nhiều câu chuyện buồn.
Trong những thập niên qua, số tiền từ việc buôn bán bất hợp pháp kim cương thường được sử dụng để tài trợ cho các cuộc nội chiến và xung đột tại các quốc gia châu Phi. Từ việc lấy tiền xuất khẩu kim cương để mua vũ khí, bảo trợ cho các hành động quân sự mà định nghĩa “Kim cương máu” đã được hình thành. Định nghĩa này xuất phát từ Angola.
Sự thật đằng sau những viên kim cương lấp lánh |
Năm 2000, Đại sứ Canada Robert Fowler, theo phân công của Liên hợp quố,c đã viết bản báo cáo Fowler gây chấn động, trong đó nêu tên nhiều quốc gia, tổ chức và nhân vật có liên quan tới đường dây buôn bán kim cương máu.
Hàng nghìn dân thường ở các quốc gia châu Phi như Sierra Leone bị biến thành nô lệ khai thác "kim cương máu". Chính vì thế, viên kim cương hòa bình được bán để mang lại cuộc sống cho người dân là điều hiếm có. Tổng thống Sierra Leone, Ernest Koroma, đã bày tỏ vui mừng khi người dân địa phương đã không buôn lậu viên kim cương này ra khỏi đất nước.
Theo CNN, hơn một nửa số tiền từ việc bán viên kim cương dùng để giúp ngôi làng Koryardu cải thiện cơ sở hạ tầng cho thợ mỏ và những cộng đồng đang phải chịu cảnh không có nước sạch, điện, cơ sở y tế, trường học và đường sá. Khoảng một phần tư được chuyển cho những người đã tìm thấy viên kim cương, phần còn lại được sử dụng cho Quỹ Phát triển Cộng đồng Khu vực Kim cương của chính phủ. Mặc dù vậy, người dân ở đây vẫn chưa thấy một đồng nào từ vụ bán này.
Đói nghèo, dịch bệnh và nội chiến |
Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng từng nói: “Cứ mỗi viên kim cương còn tồn, chúng ta mất đi một cơ hội. Đó là cơ hội cho con em đến trường, cơ hội xây bệnh viện, phòng khám và tiếp tục cuộc chiến chống HIV/AIDS”.
Đại diện của Marange đã nói trước Quốc hội rằng những viên kim cương như một lời nguyền thay vì mang lại hạnh phúc, chúng khiến cuộc sống ở đây tồi tệ hơn. Đại diện giới trẻ của Tổ chức phát triển Marange, Letwin Muchena, cho hay họ không bao giờ được hưởng lợi từ các cơ hội việc làm. Chiadzwa là một trong những khu vực nghèo nhất ở Zimbabwe mặc dù nó giàu kim cương.
Muchena đã chia sẻ sự thật đáng buồn: "Năm 2016, một đứa trẻ rơi xuống một hố nước và không có bồi thường. Chúng tôi cảm thấy rằng viên kim cương bây giờ là một lời nguyền đối với Marange. Chúng ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức, mọi người đang bị đánh đập và thanh niên thất nghiệp".
Ông cho biết thêm, có nhiều vụ vi phạm nhân quyền ở Marange như công nhân bị bắn, đánh đập bởi nhân viên an ninh. Một số công nhân nam đã bị tổn thương về mặt tinh thần. Sức khỏe của họ còn có nguy cơ bị đe dọa do uống nước từ những hố khai thác kim cương.
Nam Hải