Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, ngân hàng MB đã sử dụng phần lớn hạn mức tín dụng được giao từ đầu năm trong quý 1 (8,1%) và chỉ mới được cấp thêm hạn mức từ giữa tháng Sáu. Điều này, cùng với tình hình dịch bệnh phức tạp trong tháng 6 có thể khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý 2 sẽ không cao như quý 2.
Với dư nợ tín dụng 5 tháng đầu năm của MBB tăng 10,5%, VDSC dự báo tăng trưởng dư nợ tín dụng nửa đầu năm của ngân hàng đạt 11,3%. Tăng trưởng cho vay chậm lại ít tạo áp lực lên huy động, gián tiếp hỗ trợ NIM duy trì tương đương quý 1.
VDSC dự báo tổng thu nhập MB sẽ tăng 16,2% so với cùng kỳ lên 7.641 tỷ đồng trong quý 2, được dẫn dắt bởi thu nhập lãi tăng 21,4% và thu nhập dịch vụ tăng 47,3% nhờ đóng góp chính của mảng bảo hiểm luôn tăng trưởng cao trong nhiều năm nay.
Chi cho phát triển ngân hàng số và phân bổ khấu hao của trụ sở mới sẽ khiến chi phí hoạt động tăng 15,4%, kéo theo hệ số CIR trượt 12 tháng đi ngang so với quý 1/2021 ở mức 37,3%, với giả định không có khoản thu hồi nợ hoặc hoàn nhập dự phòng lớn nào.
Theo VDSC, nợ xấu ngân hàng sẽ được kiểm soát chặt chẽ khiến chi phí dự phòng giảm nhẹ 16,2%, đưa lợi nhuận trước thuế tăng 30,5% lên 3.814 tỷ đồng.
"Cả năm 2021, chúng tôi dự phóng lợi nhuận trước thuế của MBB đạt 16.095 tỷ đồng, tăng 50,6%", VDSC dự báo.
Giả định được đưa ra, MB có thể sẽ tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt 21% và 18% trong năm nay. Lãi suất cho vay trung bình sẽ giảm 18 điểm cơ bản, mạnh hơn mức giảm 13 điểm cơ bản của quý 1, nhằm hỗ trợ khách hàng trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Lãi suất huy động trung bình giảm mạnh hơn (26 điểm cơ bản) nhờ áp lực huy động thấp (LDR 72% cuối năm 2020), tỷ lệ CASA tăng (đạt 43,2% so với 40,9% của năm 2020) và tình trạng thanh khoản liên ngân hàng căng thẳng nhẹ vừa qua sẽ dịu lại nhờ các hợp đồng kỳ hạn USD và một lượng lớn trái phiếu chính phủ sắp đáo hạn.
Điều này cùng với danh mục đầu tư mở rộng vào các trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao và các giấy tờ có giá phát hành trong các quý gần đây có lãi suất thấp sẽ hỗ trợ NIM tăng 24 điểm cơ bản lên 5,01%. Thu nhập lãi thuần (NII), theo đó, tăng 25% lên 25.344 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ (NFI) đạt 5.237 tỷ đồng, tăng 46,5% , được dẫn dắt bởi thu nhập từ hoạt động bảo hiểm.
Tăng trưởng mạnh ở thu nhập lãi thuần và thu nhập dịch vụ đưa tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng đáng kể 26,7% lên 34.659 tỷ đồng. Nhu cầu đầu tư lớn cho hạ tầng và nhân sự công nghệ thông tin và khấu hao trụ sở làm việc khiến tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập (CIR) năm 2021 đi ngang so với 2020 và đạt đỉnh vào năm 2023. Chi phí hoạt động (OPEX) năm 2021, vì vậy, tăng trưởng cùng tốc độ với (TOI) lên 13.370 tỷ đồng.
Đợt dịch mới đang diễn biến phức tạp nhưng với chất lượng tín dụng được quản lý chặt chẽ, nợ tái cơ cấu và tỷ lệ nợ xấu mới hình thành đang giảm nhanh, VDSC kỳ vọng ngân hàng có thể duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,09%, tương đương năm 2020. Nhờ đã có sự chuẩn bị trước về dự phòng trong năm 2020, áp lực dự phòng năm nay sẽ giảm bớt, kéo theo chi phí dự phòng giảm 15,1% về 5.193 tỷ đồng.