Dù gặp khó khăn Sabeco vẫn tích cực chi cho quảng cáo và khuyến mãi với hơn 1.560 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.
Đợt bùng phát làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 cùng với các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội tại các tỉnh thành phía Nam đã khiến kết quả kinh doanh của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trượt dốc trong quý III.
Cụ thể doanh thu thuần của chủ hãng bia Sài Gòn đã giảm đến 47% về mức 4.282 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp theo đó còn giảm mạnh 54% xuống 1.142 tỷ đồng, tương đương với biên lợi nhuận gộp giảm từ 30,7% cùng kỳ xuống 26,7%.
Quy mô hoạt động thu hẹp cũng dẫn đến các chi phí được hạ ở mức thấp như chi phí bán hàng giảm 19% về 608 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 24% xuống 160 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm mạnh từ 24 tỷ xuống 3 tỷ đồng.
Kết quả Sabeco ghi nhận lợi nhuận sau thuế vẫn giảm đến 68% chỉ còn 471 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của Sabeco kể từ khi công khai báo cáo tài chính quý (năm 2014).
Kết quả tiêu cực trong quý vừa qua đã đẩy lùi các chỉ tiêu kinh doanh kể từ đầu năm. Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu công ty báo cáo đạt 17.370 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 2.529 tỷ đồng, lần lượt giảm 13,5% và 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý, dù kết quả kinh doanh giảm mạnh trong 9 tháng nhưng chi phí quảng cáo và khuyến mãi của Sabeco vẫn tăng 34% lên 1.561 tỷ đồng, đây cũng là khoản chi phí lớn nhất của doanh nghiệp.
Năm nay cổ đông Sabeco đề ra đặt kế hoạch 33.491 tỷ đồng doanh thu và 5.289 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy sau 9 tháng, đơn vị này đã thực hiện hơn 52% chỉ tiêu doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận.
Ban lãnh đạo Sabeco cho biết trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và tiếp tục đẩy mạnh bán hàng để giảm ảnh hưởng từ các đợt dịch Covid-19.
Tổng tài sản tính đến cuối tháng 9 của Sabeco đạt 28.428 tỷ đồng, tăng khoảng 1.000 tỷ so với thời điểm đầu năm. Trong đó lượng tiền, tương tương tiền và tiền gửi có kỳ hạn ghi nhận 18.653 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất 66% trong cơ cấu tài sản.
Tổng nợ vay hiện chỉ khoảng 760 tỷ đồng, giảm 22% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu nguồn vốn. Doanh nghiệp vẫn có “của để dành” lớn khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến 13.661 tỷ đồng.
(Theo Zing)