Trong báo cáo phân tích gần đây, chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định rằng, dư địa tăng trưởng của ngân hàng Vietcombank vẫn còn rất lớn trong những năm tới.
NIM tiếp tục được mở rộng
Cụ thể, BVSC nhận định, NIM của VCB sẽ tiếp tục được mở rộng nhờ tài sản sinh lời cao chiếm tỷ trọng cao hơn và tăng LDR, lãi suất cho vay giảm được bù đắp một phần bởi tỷ trọng gia tăng của cho vay cá nhân.
Với việc VCB điều chỉnh giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp 0,5% ở tất cả các kì hạn, BVSC ước tính lãi suất cho vay bình quân của VCB sẽ giảm từ mức 8% 3 quý đầu năm 2019 về mức 7,8% cho cả năm 2019 và 7,6% trong 2020 với giả định VCB tiếp tục áp dụng mức lãi suất sau giảm sang 2020. Lãi suất đầu ra bình quân giảm nhẹ trong 2020 sau đó tăng dần do cho vay khách hàng chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng tài sản.
Trong khi đó lãi suất huy động bình quân dự báo giảm nhẹ trong 2020 nhưng cũng sẽ tăng dần trong các năm sau do cơ cấu huy động dự báo dịch chuyển dần sang phân khúc cá nhân.
"Ngoài ra tỷ lệ LDR đang ở mức 72% thấp hơn nhiều so với mức trần quy định mới nhất 85% theo TT22/2019/NHNN. Chúng tôi dự báo VCB sẽ tăng dần tỷ lệ này trong các năm tới, qua đó giúp cải thiện NIM", BVSC cho biết.
Nguồn thu lớn từ bancassurance
Dư địa của Vietcombank còn đến từ hợp đồng ký kết phân phối bảo hiểm với FWD. Nhóm phân tích cho rằng, thu nhập từ Banca dự kiến sẽ đóng góp khoảng 1.000 tỷ vào NFI trong 2020 và tăng dần lên 2000 – 3000 tỷ trong các năm tiếp theo.
BVSC ước tính VCB cam kết bán ít nhất 6 tỷ USD doanh thu phí bảo hiểm cho FWD trong toàn bộ 15 năm của thỏa thuận hợp tác độc quyền.
Giả định VCB ghi nhận 400 triệu USD trả trước từ thỏa thuận hợp tác độc quyền với FWD chia đều trong 2 năm 2020 và 2021. Thu nhập từ bảo hiểm năm 2020 do đó tăng trưởng 80% (39% nếu loại trừ thu nhập bất thường).
Chi phí trích lập dự phóng sẽ không tăng nhiều trong các năm tới nhờ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát. Tỷ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới do VCB đẩy mạnh tỷ trọng cho vay cá nhân – phân khúc có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với cho vay doanh nghiệp. Tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu dự báo vẫn tiếp tục duy trì ở mức 180%.
BVSC kỳ vọng VCB sẽ tăng vốn thành công như đã trình tại ĐHCĐ 2019 (tăng vốn điều lệ từ 37 nghìn tỷ hiện nay lên 55 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ tối đa 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu và sau đó phát hành riêng lẻ 6,5% với giá phát hành được xác định theo nguyên tắc giá thị trường, giả định 60.000 đồng/cp sau chia, tương đương giá 84.000 đồng/cp trước chia).
Nếu tăng vốn thành công, CAR theo basel 2 của VCB sẽ tăng từ mức 9,4% trong 2019 lên trên 11% trong các năm tiếp theo, một mức rất an toàn để hỗ trợ tăng trưởng. Còn trường hợp tăng vốn không thành công, ước tính VCB vẫn có khả năng duy trì CAR theo basel 2 ở mức khoảng 10% nhờ có lợi nhuận cao trong các năm tới.
Dựa trên các tính toán, BVSC dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2019 có thể đạt 22.566 tỷ đồng và có thể vượt 32.000 tỷ đồng vào năm 2020.