CTCP Tập đoàn Ecopark, tiền thân là CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico), chủ đầu tư khu đô thị Ecopark vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2019.
Theo đó, năm 2019 tập đoàn này đạt doanh thu 4.335 tỷ đồng, tăng 33,6% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 670 tỷ, tăng 30%, lợi nhuận sau thuế đạt 533 tỷ, tăng 32% năm trước. EPS năm 2019 đạt 4.814 đồng/cp.
Kết quả kinh doanh của Ecopark
CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) ra đời năm 2003. Năm 2009, Vihajico khởi công khu đô thị Ecopark tại Hưng Yên, xây dựng theo xu hướng bất động sản xanh. Khu đô thị quy mô gần 500ha, diện tích hồ điều hòa 100 ha và được bao phủ bởi rất nhiều cây. Nổi tiếng nhất tại Ecopark là khu Rừng Cọ, khu được xây đầu tiên trong giai đoạn đầu của dự án.
Trong 5 năm trở lại đây, khi giao thông đã phát triển và xu hướng người dân chuyển dịch ra các khu đô thị xa trung tâm hơn, Ecopark đã phát triển rất nhanh và mở rộng nhiều khu như khu biệt thự Vườn Mai, Vườn Tùng, khu biệt thự và nhà phố Park River, Marina Waterfront, nhà phố kinh doanh Phố Trúc, Phố Cúc, Phố thương mại Thủy Nguyên, Thảo Nguyên, tổ hợp căn hộ West Bay, khu biệt thự Mimosa Valley, nhà phố thương mại mặt hồ Grand Marina. Hiện Ecopark đang mở bán tháp căn hộ Grand Park nhìn ra vịnh hồ Aqua Bay và biệt thự thảo Ecopark Grand.
Các dự án công ty đang triển khai
Sau hơn 15 năm phát triển, Ban lãnh đạo công ty đã quyết định thay đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Ecopark, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, ngoài đầu tư bất động sản còn đầu tư đa ngành vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, du lịch, vui chơi giải trí.
Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của Ecopark đạt 9.744 tỷ đồng, giảm so với cuối năm 2018 (10.307 tỷ), chủ yếu do giảm nợ dài hạn, giảm 1.200 tỷ khoản người mua trả tiền trước dài hạn.
Khoản tiền và tương đương tiền hơn 326 tỷ đồng. Hàng tồn kho trong năm 2019 giảm từ hơn 4.100 tỷ còn 3.276 tỷ. Công ty đang vay nợ ngắn hạn 1.480 tỷ và vay nợ dài hạn 1.276 tỷ. Trong 464 tỷ vay dài hạn tại Vietcombank với lãi suất quanh 10%/năm, các khoản vay này được bảo đảm bởi các thửa đất cùng các công trình tại Ecopark, đồng thời đảm bảo bằng 100% cổ phần của các cổ đông tại công ty.
Tháng 9/2019, Ecopark phát hành thành công 500 tỷ trái phiếu, kỳ hạn 3 năm đáo hạn vào tháng 8/2022. Lãi suất 10%/năm áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên, lãi suất thả nổi được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên 3,2%/năm cho các kỳ tính lãi tiếp theo. Lãi vay được thanh toán 6 tháng/lần. Tài sản thế chấp cho các khoản trái phiếu này là quyền sử dụng đất đối với các thửa đất tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên với tổng diện tích 33.532 m2. Đơn vị tư vấn phát hành là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi phí phát hành trái phiếu là 8 tỷ đồng.
Hiện vốn chủ sở hữu của Ecopark đạt 1.097,4 tỷ đồng, năm 2019 công ty tăng vốn bằng chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 55% (1 cổ phiếu nhận được 1 quyền, 100 quyền nhận 55 cổ phiếu phát hành thêm).
Cơ cấu sở hữu của Ecopark
Hiện Chủ tịch HĐQT của Ecopark là ông Lương Xuân Hà, Tổng giám đốc là ông Trần Quốc Việt. Nguyên Tổng giám đốc của Ecopark là ông Đào Ngọc Thanh, hiện đang là Chủ tịch của Vinaconex và Chủ tịch CTCP Tập đoàn Cotana (Cotana Group - mã CK: CSC).
Năm 2018, Cotana đã thoái 5% cổ phần của Ecopark, thu về 172,5 tỷ đồng. Hai công ty khác có liên quan là CTCP tư vấn Đầu tư và Thương mại Cotana và CTCP Tư vấn Xây dựng Cotana nhiều khả năng vẫn còn nắm giữ 5% cổ phần.
Chủ tịch Ecopark Lương Xuân Hà không trực tiếp nắm giữ cổ phần nhưng ông Hà cùng vợ, bà Đặng Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Ecopark là cổ đông chính của Duy Nghĩa, Phụng Thiên, Đầu tư và Phát triển DB - 3 cổ đông lớn nhất nắm giữ 68% cổ phần của Ecopark.