Quý 3 Gạo Trung An (TAR) lãi cao kỷ lục trong khi Lộc Trời, Vinaseed, Angimex lãi sụt giảm
Các doanh nghiệp ngành gạo chủ yếu có nhà máy đặt ở các tỉnh phía Nam và nằm trong vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Theo đó trong quý 3, Lộc Trời (LTG) ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.992 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng, chi phí lãi vay và chi phí vận hành đều tăng khiến lãi ròng của LTG giảm 65% so với cùng kỳ, còn gần 32 tỷ đồng.
Vinaseed (NSC) mặc dù có doanh thu quý 3/2021 tăng 36%, song giá vốn tăng cao nên công ty ghi nhận lãi trước thuế 35,8 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. So với quý 2/2021, doanh thu quý 3/2021 của Vinaseed giảm 24% còn lợi nhuận trước thuế giảm gần 51%.
Trong quý 3 doanh thu thuần của Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) đạt 1.297 tỷ đồng, tăng 149% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid và chi phí vận chuyển, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt gần 4 tỷ đồng giảm 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý nhất trong nhóm này là Gạo Trung An (TAR), mặc dù cũng gặp khó khăn trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, nhưng TAR vẫn đẩy mạnh xuất khẩu gạo khi trúng các gói thầu xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Trong quý 3 Gạo Trung An (TAR) ghi nhận doanh thu thuần tăng 35% lên 726 tỷ đồng trong quý 3. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 34 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của Gạo Trung An.
Bức tranh 9 tháng ngược chiều tăng, giảm
Bức tranh 9 tháng của các doanh nghiệp này cũng ngược chiều, trong khi Lộc Trời đạt hơn 7.114 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 79% so cùng kỳ chủ yếu do doanh thu từ thuốc bảo vệ thực vật và mảng lương thực. Tuy nhiên, giá vốn và chi phí đều tăng cao nên lợi nhuận ròng của LTG chỉ tăng 29%, đạt gần 261 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, NSC có doanh thu thuần đạt 1.182 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận đạt 147 tỷ đồng tăng 5,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý mới đây, HĐQT Vinaseed đã thông qua kế hoạch kinh doanh quý 4 dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh so với quý 3, LNTT dự kiến đạt gần 99 tỷ đồng.
Trong khi đó mặc dù có KQKD tốt trong quý 3 nhưng 9 tháng, TAR báo doanh thu giảm 7% xuống 1.955 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 35% xuống 51 tỷ đồng do chi phí bán hàng tăng cao. Tương tự Angimex cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng cao nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 17,8 tỷ, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020.
Kỳ vọng cuối năm
Xuất khẩu của các doanh nghiệp gạo sụt giảm trong 9 tháng được cho là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gây ra những khó khăn trong việc thu hoạch và lưu thông lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên các doanh nghiệp kỳ vọng, tình hình xuất khẩu sẽ được cải thiện rõ rệt trong quý cuối năm khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Trong hai tuần đầu tháng 9/2021, giá xuất khẩu gạo 5% tấm tăng gần 4%, từ 385 USD/tấn lên 400 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu tăng trong bối cảnh Chính phủ tăng cường dự trữ gạo và các thương gia ngừng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ.
Ngày 7/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết bổ sung kinh phí mua gạo dự trữ quốc gia và đề xuất trợ cấp gạo cho một số địa phương (kinh phí 2.199 tỷ đồng để mua 172.889,47 tấn gạo). Việc này tạo động lực tăng trưởng cho một số doanh nghiệp ngành gạo. Chẳng hạn, Trung An đã trúng thầu gói cung cấp 25.413 tấn gạo trong chương trình mua gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ.
Giá cổ phiếu đạt mức tăng trưởng tốt
Đáng chú ý, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp gạo được giới đầu tư quan tâm đã có đà tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay.
Giá cổ phiếu TAR của Trung An tăng gần 76% so với đầu năm đạt 35.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu LTG của Lộc Trời mặc dù có giá đi ngang trong tháng 9, nhưng vẫn tăng gần 53% với đầu năm.
Trong khi đó, cổ phiếu NSC của Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam tăng nhẹ trong tháng 9 cũng như so với đầu năm.
Ấn tượng nhất là mức tăng giá của AGM, cổ phiếu này đã lập đỉnh 41.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 15/9/2021, nhờ nhóm cổ đông liên quan tới Louis Capital (TGG) mua vào lượng lớn cổ phiếu, qua đó nắm cổ phần chi phối. AGM đã tăng tới gần 175% kể từ đầu năm tới nay.