Giá cao su thiên nhiên tăng mạnh từ cuối năm trước và neo ở mức cao trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, giá cao su kỳ hạn trên sàn Tokyo duy trì mức cao quanh 230 JPY/kg và mới hạ nhiệt từ cuối tháng 6 đến nay xuống 211 JPY/kg, vẫn tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Giá cao su giảm do nhu cầu Trung Quốc sụt giảm và các nước sản xuất gia tăng sản lượng trở lại.
Nguồn: tradingeconomics.com
Diễn biến này gây bất lợi cho doanh nghiệp săm lốp khi mà nguyên liệu cao su chiếm đến 70% giá thành sản phẩm. Dù vậy, các doanh nghiệp trong ngành này vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh hết sức khả quan nhờ gia tăng sản lượng tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), tiêu thụ ôtô đạt 150.481 chiếc, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xe ôtô du lịch tăng 37%, xe thương mại tăng 48% và xe chuyên dụng tăng 68%. Riêng quý II, tiêu thụ xe đạt 79.237 chiếc, tăng 11% so với quý trước và tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, kể từ tháng 3 đến nay, tiêu thụ xe có xu hướng giảm. Tháng 6, tiêu thụ xe toàn thị trường đạt 23.587 chiếc, giảm 8% so với tháng trước, giảm 23,6% so với mức cao thiết lập trong tháng 3 và duy trì tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn vị: Chiếc |
Cao su Đà Nẵng ( HoSE: DRC ) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II với doanh thu tăng 52% lên 1.205 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế nhờ vậy mà gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước đạt 106 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 31,3% lên 2.117 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 170 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp tăng từ 14,8% lên 18,8% quý II và tăng từ 14,8% lên 18,6% lũy kế 6 tháng.
Theo SSI Research, Cao su Đà Nẵng phải chịu chi phí nguyên vật liệu cao trong quý như cao su tự nhiên, cao su tổng hợp, hóa chất và than đen lần lượt tăng 26%, 15%, 8% và 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cả sản lượng tiêu thụ và giá bán bình quân cùng tăng. Sản lượng tiêu thụ lốp bias tăng 34% và radial tăng 67%, trong khi giá bán bình quân tăng 8% với lốp bias và tăng 1% với lốp radial. Mặt khác, biên lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện một phần nhờ công suất hoạt động nhà máy radial cao hơn và chi phí khấu hao giảm.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp cũng rất khởi sắc với kim ngạch 27 triệu USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước và tăng 43% so với quý trước nhờ đơn hàng ở Mỹ và Brazil cùng hồi phục mạnh (cùng kỳ năm trước dịch bệnh bùng phát mạnh tại các thị trường ngày khiến đơn hàng sụt giảm). Sản lượng xuất khẩu lốp radial đạt 128.000 chiếc, tăng 90% và lốp bias đạt 78.000 chiếc, tăng 160%.
Đơn vị: tỷ đồng |
Tương tự, nhờ mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina, HoSE: CSM ) ghi nhận doanh thu quý II đạt 1.392 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng mạnh hơn ở mức 18,5% khi sản lượng tiêu thụ và giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm chi phí, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng gần 21% đạt 23 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, Casumina đạt doanh thu 2.472 tỷ đồng, tăng 13%; lãi sau thuế 36 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, Casumina có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang một số thị trường mới như Nam Mỹ và Đông Âu, các thị trường hiện tại gồm Brazil, Ấn Độ và Mỹ. Doanh thu xuất khẩu năm 2020 tăng 12% so với năm trước nhờ sản lượng nhóm lốp radial, chiếm tỷ trọng 60%.
Doanh thu Cao su Sao Vàng ( HoSE: SRC ) trong quý vừa qua cũng tăng 16,5% lên 240 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng nhẹ từ 49,8 tỷ đồng lên 50,6 tỷ đồng. Song chi phí bán hàng đột biến từ 1 tỷ lệ 11,8 tỷ đồng do cùng kỳ năm trước hoàn nhập chi phí trích trước các khoản chiết khấu bán hàng đã khiến lợi nhuận đơn vị giảm 21% xuống 14 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, doanh thu đạt 497 tỷ đồng, tăng 24%. Trong đó, doanh thu xuất khẩu của Cao su Sao Vàng tăng 31% lên 101 tỷ đồng, tỷ trọng trong tổng doanh thu tăng từ 19% cùng kỳ năm trước lên 20.3% kỳ này. Doanh thu nội địa tăng 22% lên 395 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương đương cùng kỳ năm trước đạt 24 tỷ đồng.