Quá trình hình thành và phát triển của CTCP Tập đoàn Phú Mỹ (Phú Mỹ Group) ghi đậm dấu ấn của nhà sáng lập Chu Đức Lượng.
Sinh năm 1969, ông Chu Đức Lượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Phú Mỹ Group – có trình độ cử nhân kinh tế.
Xuất phát từ một nhân viên của Xí nghiệp khai thác than Hà Nội đóng tại TX. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh ở lứa tuổi 20, ông Lượng trưởng thành và kinh qua nhiều vị trí tại đơn vị quốc doanh này, như Phó Trưởng Phòng kinh doanh, Trưởng đại diện Cơ sở II Phòng Kinh doanh, Trưởng đại diện cơ sở II Tổng đội thanh niên xung phong Hà Nội và làm đến chức Giám đốc Xí nghiệp Than Thanh niên xung phong Hà Nội.
Tại nhiệm ở xí nghiệp nhà nước trên mãi đến cuối năm 2004 mới nghỉ hẳn, nhưng ông Chu Đức Lượng đã sớm tạo dựng các nền tảng cho ngày "ra riêng". Quan trọng hơn cả là việc thành lập Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp và Hạ tầng – tiền thân của Phú Mỹ Group, vào tháng 6/2001. Dĩ nhiên, thuở ban đầu, công ty riêng của ông Lượng cũng hoạt động trong lĩnh vực có tính giao thoa với xí nghiệp nhà nước mà doanh nhân này công tác, cụ thể là kinh doanh than. Dần dần, nó mở rộng sang các mảng san lấp mặt bằng và xây lắp các công trình hạ tầng vừa và nhỏ.
Tính đến tháng 9/2018, Phú Mỹ Group có vốn điều lệ 800 tỉ đồng, trong đó vợ chồng ông Chu Đức Lượng – bà Nguyễn Thị Diệu Huyền góp tới 760 tỉ đồng, sở hữu 95% vốn điều lệ. Đến tháng 4/2021, vốn điều lệ của Phú Mỹ Group tăng mạnh lên mức 1.509 tỉ đồng.
Khoản lãi đột biến của Phú Mỹ Group
Cùng với việc tăng mạnh vốn điều lệ, Phú Mỹ Group của ‘đại gia’ Chu Đức Lượng cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến trong năm 2021, với mức lợi nhuận sau thuế lên tới 324,6 tỉ đồng, cao gấp 2,8 lần doanh thu ghi nhận trong kỳ.
Trong khi đó, ở giai đoạn 2019 – 2020, dữ liệu của VietTimes thể hiện, Phú Mỹ Group chỉ ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 25 và 4,7 tỉ đồng.
Trên bảng cân đối, tính đến ngày 31/12/2021, quy mô tổng tài sản của Phú Mỹ Group đạt 2.688 tỉ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn chiếm tới 77,7%, đạt 2.090 tỉ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối, vốn chủ sở hữu của tập đoàn này đạt 845,5 tỉ đồng, giảm tới 40,3% so với đầu năm.
Như VietTimes từng đề cập , Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Hòa Phú Invest (Hoà Phú Invest) – thành viên của Phú Mỹ Group – làm chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1 với quy mô 85ha, tổng vốn đầu tư 1.093 tỉ đồng.
Cập nhật tới tháng 2/2022, Hoà Phú Invest đã tăng vốn điều lệ từ 852 tỉ đồng lên 1.092 tỉ đồng, do ông Chu Đức Lượng làm Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật.
Cùng với đó, Phú Mỹ Group còn được biết tới là chủ đầu tư một số dự án bất động sản đô thị và hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn Tp. Hà Nội như: Khu công nghiệp Phú Nghĩa (170ha); Khu nhà ở Phú Mỹ, số 6 Ngô Quyền, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông; Khu nhà ở Tiên Phương tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ.
Tại tỉnh Bắc Giang, vào năm 2016, Phú Mỹ Group đã khởi công xây dựng dự án Khu công nghiệp Hòa Phú tại huyện Hiệp Hòa với quy mô 207ha.
Trong lĩnh vực xây lắp, Phú Mỹ Group là nhà thầu xây dựng dự án BOT cầu Văn Lang (cầu Việt Trì – Ba Vì) bắc qua sông Hồng. Dự án này có tổng chiều dài và đường dẫn khoảng 9,5 km nối liền đất tổ Hùng Vương với thủ đô Hà Nội, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng.
Tháng 2/2022, Phú Mỹ Group còn liên danh cùng CTCP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Thương mại – Đầu tư Xây dựng Thành Lợi và CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (Mã CK: VPI) ký thoả thuận cam kết hợp tác đầu tư dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (2021 – 2025) là 13.181 tỉ đồng.