Trong những năm gần đây, dù gặp phải mâu thuẫn nội bộ giữa 2 nhà sáng lập nhưng Tập đoàn Trung Nguyên vẫn là một trong những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh đứng trong top đầu ngành thực phẩm - đồ uống với lợi nhuận trên dưới 700 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy vậy, những số liệu tài chính cũng cho thấy một thực tế là dù kết quả kinh doanh vẫn giữ ở mức cao nhưng Trung Nguyên đang bí cửa tăng trưởng khi doanh thu không thể tăng còn lợi nhuận đang trong xu hướng đi xuống khi mà cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Trong lúc Trung Nguyên vẫn còn bề bộn nhiều vấn đề phải giải quyết thì đối thủ chính là Vinacafe Biên Hòa đã tìm lại được động lực tăng trưởng từ dòng sản phẩm mới là nước tăng lực, qua đó thu hẹp đáng kể khoảng cách lợi nhuận giữa 2 công ty. Chỉ trong vòng vài năm, doanh thu nước tăng lực của Vinacafe Biên Hòa đã ngang ngửa với mảng cà phê.
Nếu những tranh chấp về sở hữu không sớm được giải quyết hay Trung Nguyên tiếp tục chi lớn cho những khoản mục không giúp ích cho hoạt động kinh doanh như lời bà Thảo thì việc lợi nhuận của tập đoàn này tiếp tục đi xuống cũng không có gì bất ngờ và thực tế là lợi nhuận 2018 của Trung Nguyên đã giảm rất mạnh.
Doanh thu 2018 của Trung Nguyên thiết lập kỷ lục mới
Kết thúc năm 2018, công ty mẹ Tập đoàn Trung Nguyên thiết lập kỷ lục mới với doanh thu thuần đạt 4.360 tỷ đồng - tăng 10% so với năm trước.
Doanh thu vẫn tăng cho thấy sự ổn định nhất định của hệ thống Trung Nguyên giữa lúc mẫu thuẫn của ông Vũ - bà Thảo lên đến đỉnh điểm.
Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng trưởng doanh thu đều đặn thì lợi nhuận của Trung Nguyên tiếp tục sụt giảm. Nhưng thay vì giảm từ từ như các năm trước thì lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Trung Nguyên lại giảm gần 1/2, từ 681 tỷ xuống còn 347 tỷ đồng.
Trước đây, lợi nhuận Trung Nguyên cũng từng sụt giảm rất mạnh từ 1.300 tỷ năm 2014 xuống 800 tỷ năm 2015. Nhưng khi đó là do công ty ghi nhận lãi bất thường từ việc kết chuyển lợi nhuận từ các công ty con.
Trong khi đó, nguyên nhân sụt giảm của năm 2018 nhiều khả năng đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi: Giá vốn đội lên 560 tỷ trong khi doanh thu chỉ tăng 400 tỷ kéo lãi gộp giảm xuống còn 1.350 tỷ so với mức 1.500 tỷ đồng/năm của giai đoạn 2014-2017.
Bên cạnh đó chi phí bán hàng và quản lý cũng tăng lên theo doanh thu còn nguồn thu từ hoạt động tài chính giảm. Tổng hợp các yếu tố này dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm từ 681 tỷ xuống 347 tỷ đồng, tương đương mặt bằng lợi nhuận của 5-6 năm trước.
Lợi nhuận 2018 của Vinacafe Biên Hòa tăng đột biến do "đẩy" phần lớn chi phí bán hàng sang cho Masan Consumer
Khi lợi nhuận của công ty mẹ sụt giảm, 2 công ty con quan trọng của Trung Nguyên Group đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao: Lợi nhuận của CTCP Cà phê Trung Nguyên tăng từ 105 tỷ lên 161 tỷ đồng còn CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên tăng từ 10 tỷ lên 28 tỷ đồng. Trung Nguyên Franchising - công ty quản lý hệ thống cửa hàng cafe Trung Nguyên - tiếp tục lỗ với mức lỗ tăng từ 7,5 tỷ lên 23,5 tỷ đồng.
Trong một chia sẻ với truyền thông mới đây, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đề cập đến những mẫu thuẫn giữa ông và bà Thảo đã ảnh hưởng nhất định tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn: "Toàn bộ hoạt động ở nước ngoài của Trung Nguyên bị ảnh hưởng vì phía bà Thảo can thiệp, ra văn bản, dùng con dấu để làm ăn với đối tác". Ông Vũ nhận định xử xong vụ ly hôn này thì Trung Nguyên sẽ cần 2-3 năm để gượng dậy được.
Ngay tại thị trường trong nước, nếu như trước kia Trung Nguyên chỉ có 2 đối thủ chính là Vinacafe và Nescafe thì gần đây đã có thêm King Coffee của bà Thảo.
Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 3/2019, Tòa án đã phán quyết ông Vũ được nắm quyền điều hành Trung Nguyên, chia tài sản tỷ lệ 60/40 trên cơ sở nhận định ông Vũ có công nhiều hơn trong việc tạo lập sự nghiệp Tập đoàn Trung Nguyên và trong khối tài sản chung của hai vợ chồng. Bên cạnh đó, ông Vũ sẽ đứng ra mua lại cổ phần của bà Thảo tại Trung Nguyên.