Trong quý II vừa qua, nhiều đơn vị ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến nhờ "lợi nhuận khác" tăng mạnh. Tuy nhiên, vì khoản lãi này không đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi nên chỉ ghi nhận một lần, không tạo ra nguồn thu nhập bền vững cho công ty đó trong thời gian dài. Mặt khác, nhiều khoản lợi nhuận đến từ việc đánh giá lại tài sản nên sẽ không tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp.
Vingroup ( HoSE: VIC ) là doanh nghiệp ghi nhận khoản lợi nhuận khác lớn nhất trong quý II với mức 5.156 tỷ đồng. Doanh thu thuần của đơn vị này đạt 13.854 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm 2021. Theo giải trình của công ty, doanh thu năm nay giảm chỉ yếu do giảm doanh thu bất động sản. Sau khi trừ đi các chi phí, Vingroup lỗ 3.750 tỷ đồng từ các hoạt động kinh doanh thuần túy. Tuy nhiên nhờ việc thanh lý tài sản giúp công ty có thêm 5.156 tỷ đồng khoản lợi nhuận khác, giúp lãi ròng tăng 120% lên 3.190 tỷ đồng.
Sau Vingroup, Tổng công ty Sông Đà – CTCP ( UPCoM: SJG ) là đơn vị tiếp theo ghi nhận khoản lợi nhuận khác lớn giúp lãi ròng tăng đột biến. Mặc dù doanh thu thuần đạt 1.600 tỷ đồng, giảm 5,6%, nhưng doanh thu tài chính của công ty gấp hơn 41 lần so với kỳ trước, đạt mức 3.128,1 tỷ đồng.
Theo lý giải của SJG, vào đầu tháng 4 doanh nghiệp đã bán bán 41,7 triệu cổ phần CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, HoSE: SJS ). Nhờ vậy, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đơn vị này đạt 960 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cùng là mức lãi kỷ lục đơn vị này từng ghi nhận trong lịch sử.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của SJG là 2.443 tỷ đồng, giảm 16,7%; lợi nhuận sau thuế 968,9 tỷ đồng, gấp gần 20 lần giai đoạn trước. Công ty thực hiện 37,5% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế gần 240% nhờ vào khoản doanh thu tài chính đột biến.
Đơn vị: tỷ đồng. |
Đô thị Kinh Bắc ( HoSE: KBC ) báo cáo khoản doanh thu thuần giảm 47,3% còn 395,3 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thuần túy của công ty là 62 tỷ đồng. Tuy nhiên, Đô thị Kinh Bắc vẫn thu về 1.933 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp gần 25 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.893 tỷ đồng, gấp 46 lần quý II/2021 và ghi nhận mức kỷ lục.
Theo giải trình trong BCTC quý II, công ty đã ghi nhận khoản lợi nhuận khác đột biến đạt 1.913 tỷ đồng do chênh lệch giữa phần tài sản thuần của CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ lên 48%. Trong quý I, Đô thị Kinh Bắc cũng báo lãi chủ yếu nhờ chênh lệch lợi nhuận này.
Ngày 30/6, Đô thị Kinh Bắc hoàn thành mua thêm 5,7 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng để nâng sở hữu từ 19,5% vốn lên 48% vốn. Giá trị chuyển nhượng không được tiết lộ. Do ghi nhận Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng là công ty liên kết nên khoản mục này đã tăng từ 1.872 tỷ đồng đầu năm lên 4.407 tỷ đồng vào cuối quý II. Với ghi nhận giá trị 2.493 tỷ đồng cho phần vốn góp 48%, tương ứng phần giá trị doanh nghiệp của Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng là 5.194 tỷ đồng, so với vốn điều lệ chỉ 200 tỷ đồng.
Không chỉ Đô Thị Kinh Bắc, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng thường xuyên dùng phương pháp định giá lại tài sản để ghi nhận lợi nhuận trong thời gian vừa qua như Novaland ( HoSE: NVL ), Khang Điền ( HoSE: KDH ), Nam Long ( HoSE:NLG )...
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Đô thị Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần 1.087 tỷ đồng, giảm 60,5% so với nửa đầu năm 2021. Trong đó, doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng đạt 592 tỷ đồng, giảm 72,3%; doanh thu chuyển nhượng bất động sản là 317,2 tỷ đồng, tăng 34,8%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 2.373 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ nhờ việc định giá lại tài sản trên.
Đơn vị: tỷ đồng. |
Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC, UPCoM: MVN ) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu thuần 3.964 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trừ chi phí, lợi nhuận từ việc kinh doanh của công ty vẫn đạt 1.031 tỷ đồng, tăng 28,3% so với quý II/2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của VIMC vẫn đạt mức 1.123 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ và lớn hơn lợi nhuận thuần thuần. Đây cũng là mức lãi kỷ lục doanh nghiệp.
Theo giải trình của Ban Tổng giám đốc, lãi ròng quý này tăng nhờ khoản lợi nhuận khác là 588,5 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ. Khoản mục này tăng đột biến nhờ việc cơ cấu nợ của công ty Vận tải biển Việt Nam là 90,1 tỷ đồng và nợ của CTCP Vận tải biển Vinaship là 61,3 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận thu nhập khác nhờ xử lý nợ qua DATC tại công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông là 449,2 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VIMC ghi nhận doanh thu 7.228 tỷ đồng, tăng 19,2% so với nửa đầu năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1,678 tỷ đồng, tăng gần 150%. Công ty hiện vẫn ghi nhận mức lỗ lũy kế là 928,7 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với đầu năm.
Hai đơn vị thành viên của VIMC là CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco, HoSE: VOS ) và Vận tải biển Vinaship ( UPCoM: VNA ) nhờ việc tái cơ cấu các khoản nợ vay với công ty mẹ nên cũng có những khoản lợi nhuận khác trong quý vừa rồi lần lượt là 73,5 tỷ đồng và 61,5 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận của 2 đơn vị này cũng tăng trưởng trong quý vừa rồi.
Đơn vị: tỷ đồng. |
CTCP Siêu Thanh ( HoSE: ST8 ) dù chỉ ghi nhận 11,3 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh nhưng lãi ròng vẫn đạt gần 200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đơn vị này lỗ 250 triệu đồng. Đơn vị này giải thích rằng lợi nhuận của công ty quý này tăng là nhờ việc thanh lý tài sản; chuyển nhượng công ty con và bất động sản tại Vũng Tàu cho doanh nghiệp khác. Lũy kế 6 tháng, lãi ròng của Siêu Thanh đạt 204 tỷ đồng, gấp 34 lần cùng kỳ.
Siêu Thanh được thành lập vào năm 1994, có trụ sở sở tại TP HCM, bắt đầu được niêm yết trên sàn HoSE từ tháng 12/2007. Công ty có hoạt động chuyên môn chính là nhà phân phối thiết bị văn phòng như máy in, máy photocopy và đồ điện tử khác.
Tập đoàn Cao su Việt Nam ( HoSE: GVR ) cũng có khoản lợi nhuận khác đạt hơn 300 tỷ đồng nhờ việc thanh lý vườn cao su. Đây là một hoạt động kinh doanh thường xuyên mang về lợi nhuận cho đơn vị này.
Trường hợp của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG ) có sự khác biệt. Yếu tố đem lại lợi nhuận chính cho HAGL trong quý II cũng như trong nửa đầu năm là nhờ hoàn nhập dự phòng trong chi phí quản lý doanh nghiệp.
Cụ thể, công ty này đã hoàn nhập 823 tỷ đồng dự phòng giúp lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 271,7 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ. Tương ứng, tính đến ngày 30/6, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đã giảm mạnh, chỉ còn 605 tỷ đồng – giảm 861 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
|