Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, năm 2017 sẽ kết thúc, đánh dấu một năm đầy biến động, với những “con sóng” to, nhỏ từ cả nội tại lẫn bên ngoài tác động lên nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Phóng viên BizLIVE đã có cuộc trao đổi với chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu về những nhận định, đánh giá của ông về ngành ngân hàng năm 2017 và triển vọng cho năm 2018.
Ông đánh giá như thế nào về bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2017?
Hệ thống ngân hàng tỏ ra có lợi nhuận cao trong năm 2017 vì một số lý do.
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng trong năm nay rất khả quan. Tín dụng luôn là nguồn sinh lời lớn nhất của ngân hàng. Với mức tín dụng khoảng 18% trong năm nay, lợi nhuận của nhà băng cũng tăng trưởng theo là điều đương nhiên.
Thứ hai, các ngân hàng cũng đã có rất nhiều bước tiến trong quá trình tái cơ cấu trong thời gian vừa qua, trong đó có các ngân hàng thành công như TPBank hay NCB. Điều này giúp ngân hàng tăng lợi nhuận, đặc biệt, phần quản trị rủi ro của họ cũng đã tốt hơn.
Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã được thông qua được kỳ vọng sẽ tạo hành lang thông thoáng, xử lý dứt điểm “cục máu đông”. Về lý thuyết là vậy, còn về thực tiễn thì như thế nào, thưa ông?
Thực tế, thì việc xử lý nợ xấu đã kéo dài trong nhiều năm qua, thành ra, chúng ta không thể kỳ vọng với Nghị quyết 42, bức tranh nợ xấu sẽ được thay đổi trong ngày một ngày hai.
Nghị quyết 42 dĩ nhiên sẽ mở ra những quy định thông thoáng hơn để các ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, bán nợ xấu. Một thị trường mua bán nợ cũng có thể được thành lập giúp cho việc mua bán nợ dễ dàng hơn, tuy nhiên, cho tới thời điểm này, vấn đề xử lý nợ xấu sau khi nghị quyết 42 vẫn khá còn chậm, vì như tôi nói, chúng ta sẽ cần cả một quá trình, không thể nóng vội được.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, chỉ một Nghị quyết cũng chưa đủ để tháo gỡ những vướng mắc của nợ xấu. Vấn đề giải quyết nợ xấu liên quan đến các vấn đề giải quyết tài sản đảm bảo, thu giữ tải sản đảm bảo, thanh lý tài sản đảm bảo, bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có một thị trường mua bán nợ.
Dù vậy, cho tới nay, việc thu giữ tài sản đảm bảo còn rất nhiều trở ngại. Nếu hai bên người cho vay và người đi vay ra toà, theo tinh thần Nghị quyết 42, toà sẽ phải có một chương trình xét xử nhanh chóng. Tuy nhiên, cho tới giờ này vẫn chưa có một quy định nào về vấn đề xử lý nhanh chóng tại toà án.
Vấn đề nữa là mua bán nợ. Hiện vẫn chưa có một thị trường mua bán nợ được hình thành theo đúng tinh thần Nghị quyết 42, nghĩa là tất cả thành phần từ người dân, doanh nghiệp và cả ngân hàng đều có thể tham gia. Đó mới chỉ là quy định cho phép thành lập thị trường chứ thị trường thực thì chưa có.
Trong khi đó, quy định về chuyển nhượng tài sản, công chứng như nào, chuyển nhượng tài sản từ người này sang người khác như thế nào, giá cả như thế nào cũng vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn. Nói chung, tôi cho rằng vấn đề xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều hạn chế.
Vậy theo ông, đâu là những thách thức chính chờ đợi ngành ngân hàng năm 2018?
Thách thức chính vẫn là giải quyết nhanh nợ xấu. Nếu nợ xấu còn nằm trên sổ sách thì dòng vốn bị ngưng trệ, sổ sách ngân hàng cũng không có sự minh bạch, ảnh hưởng không nhỏ tới thanh khoản và lợi nhuận ngân hàng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, 2018 sẽ là năm đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn liền với nợ xấu theo tinh thần đề án 2016-2020 mà các ngân hàng đã trình lên Chính phủ.
Trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu này, các ngân hàng sẽ phải thay đổi từ cách quản trị cũng tuân thủ, quản trị rủi ro.
Tôi rất kỳ vọng 2018 là năm NHNN sẽ áp dụng hệ thống chấm điểm tín nhiệm ngân hàng theo tiêu chuẩn CAMELS. Đây là một chuẩn mực quốc tế. Cho đến bây giờ, NHNN mới chỉ tiến hành giám sát, thanh tra ngân hàng theo tiêu chuẩn tuân thủ còn với tiêu chuẩn CAMELS thì sẽ đặt vấn đề quản lý rủi ro cho ngân hàng lên đầu.
Tôi cũng kỳ vọng 2018, tất cả các ngân hàng sẽ lên sàn. Hiện vẫn có một số ngân hàng vẫn chưa thực hiện chuyện đó. Việc lên sàn sẽ giúp minh bạch hoá ngân hàng, các nhà đầu tư, người dân sẽ đánh giá được ngân hàng một cách chính xác hơn.
Vậy, với tất cả những thách thức cũng như kỳ vọng nêu trên, ông đánh giá triển vọng lợi nhuận ngân hàng trong năm tới sẽ như thế nào, thưa ông?
Đây là một dấu hỏi lớn vì khi các ngân hàng tái cấu trúc như thế sẽ phát sinh chi phí, từ đó tác động đến lợi nhuận. Tôi kỳ vọng doanh thu từ cho vay sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt nhưng chi phí tái cơ cấu sẽ tác động đến lợi nhuận ngân hàng. Thành ra, tôi cho rằng, lợi nhuận ròng sau tái cơ cấu của các ngân hàng sẽ là một ẩn số nhưng về doanh thu thì năm 2018 chắc chắn sẽ tăng so với năm nay.
Xin cám ơn ông về những chia sẻ!