Năm 2021 và 2022 được coi là thời kỳ thịnh vượng đặc biệt đối với nhiều doanh nghiệp phân bón, khi doanh thu và lợi nhuận đều đạt đến đỉnh cao lịch sử. Thành tích ấn tượng này chủ yếu được đánh giá là kết quả của sự tăng giá mạnh của phân bón, bắt đầu từ năm 2020, cũng như sự thuận lợi từ thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, chuyển sang năm 2023, với việc giá phân bón giảm xuống, cùng với việc chi phí đầu vào vẫn duy trì ở mức cao, ngành công nghiệp phân bón đang đối mặt với một bức tranh kinh doanh khá khó khăn. Tuy vậy, nhiều "ông lớn" vẫn vượt mục tiêu đề ra.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau; HoSE: DCM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.565 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 1.371 tỷ xuống còn hơn 865 tỷ đồng, kéo theo biên lợi nhuận gộp từ 30,8% xuống còn 24,3%.
Đạm Cà Mau báo lãi trước và sau thuế đạt 537 tỷ và 491,8 tỷ đồng, giảm 51,4% và 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình, Đạm Cà Mau cho biết dù sản lượng tiêu thụ tăng, nhưng giá bán phân bón giảm mạnh đã kéo doanh thu xuống. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao do bổ sung thêm quỹ Khoa học Công nghệ trong quý IV vừa qua.
Luỹ kế cả năm 2023, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu đạt 12.602 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.108 tỷ đồng, giảm 20,8% và 74,3% so với kết quả thực hiện năm 2022. Công ty đã vượt 20% kế hoạch lãi sau điều chỉnh.
CTCP Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC ) vừa công bố BCTC quý IV/2023 với doanh thu thuần trong quý đạt 2.387,7 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng giảm 12%, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 784 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ.
Kết quả, Hóa chất Đức Giang thu về 745,7 tỷ đồng, giảm 33,6%. Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 720 tỷ đồng, giảm 30% so với quý IV/2022.
Lũy kế cả năm 2023, Hóa chất Đức Giang ghi nhận 9.748 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 33%. Lãi sau thuế hợp nhất đạt 3.250,4 tỷ đồng, giảm 46%, lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 3.109 tỷ, giảm 44% so với thực hiện năm trước. Công ty đã hoàn thành gần 90% kế hoạch doanh thu và 104% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
CTCP DAP – VINACHEM (mã: DDV) công bố báo tài chính quý IV/2023, ghi nhận doanh thu hơn 835 triệu đồng, tăng 3,45%; lãi ròng gần 62,5 tỷ đồng, tăng hơn 777%. Theo giải trình, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh do sản lượng DAP tiêu thụ tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù giá bán giảm 13,5%.
CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, UPCoM: DHB) công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu thuần 1.189 tỷ đồng, tăng 3,6%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 154 tỷ đồng. Đạm Hà Bắc ghi nhận khoản thu nhập khác 1.802 tỷ đồng từ đề án tái cơ cấu khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, giúp báo lãi sau thuế 1.649 tỷ đồng trong quý IV, gấp 19,4 lần cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, Đạm Hà Bắc thu về 4.413,4 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 31%; lợi nhuận trước thuế đạt 860,8 tỷ đồng, giảm 51%. Mức giảm lợi nhuận cả năm của DHB do doanh nghiệp ghi nhận lỗ liên tiếp trong 3 quý đầu năm.
BCTC hợp nhất quý IV/2024 của CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) đạt 2.202 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 16%. Giá vốn hàng bán tăng 15%, đạt 1.713 tỷ đồng, đẩy lợi nhuận gộp của BFC lên con số 227 tỷ đồng, tăng 23%. Lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2023 đạt 67,4 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng kết năm 2023 của BFC, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 196,2 tỷ đồng, giảm 20%. Năm 2023, BFC mới hoàn thành 89% kế hoạch lợi nhuận.
Quý IV/2023, CTCP Phân bón miền Nam (SFG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 419,3 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Lãi gộp 43 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 6,6 tỷ đồng. Lãi sau thuế quý IV/2023 của SFG đạt hơn 12 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 6,7 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, SFG ghi nhận tổng doanh thu thuần 1.559 tỷ đồng, giảm 22,4%; lãi trước thuế 57 tỷ đồng, giảm 8,5%; lãi sau thuế 56,8 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2022. Công ty đã vượt mục tiêu lãi trước thuế là 35%.
Trong báo cáo triển vọng 2024, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định giá phân bón thế giới năm 2024 được có thể tăng nhẹ so với năm 2023.
Nguyên nhân bắt nguồn từ những động thái hạn chế xuất khẩu của các “ông lớn” trên thị trường phân bón thế giới. Theo đó, quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 15% lượng tiêu thụ toàn cầu) là Nga đã gia hạn chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5 để bảo vệ thị trường nội địa. Trung Quốc cũng tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định mức giá.
Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập đã quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu.
Việc gián đoạn nguồn cung ứng vốn đã khiến cho giá phân bón tăng cao từ cuối quý III/2023 và mới chỉ hạ nhiệt trong khoảng tháng 12 vừa qua, việc giá tiếp tục tăng trong năm 2024 có thể sẽ tạo áp lực lên hoạt động sản xuất nông nghiệp toàn cầu.
Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Thế giới, tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ phân bón trên thế giới sẽ chậm lại trong trung hạn, từ mức 4% trong năm tài chính 2023 xuống 1,3% trong năm tài chính 2027.
Tại thị trường trong nước, các chuyên gia dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2024 sẽ tăng chậm so với năm 2023. Nhu cầu tiêu thụ nội địa được dự đoán tăng vào quý 4/2023 và quý 1/2024 khi bước vào vụ Đông Xuân, song vụ mùa năm nay đến trễ, bắt đầu cuối tháng 11.