Những doanh nghiệp bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Trong báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của nhiều doanh nghiệp, kiểm toán đã chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại như lỗ lũy kế lớn, các khoản vay nợ quá hạn… có nguy cơ đe dọa tới khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
Trong đó có mặt của những cái tên đình đám như HAGL (HAG), Ernst & Young Việt Nam đã nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế 7.371 tỷ đồng của công ty tại thời điểm 30/6/2021. Ngoài ra, tại ngày này, HAGL cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay.
Vận tải biển Việt Nam (VOS) mặc dù lãi tích cực trong nửa đầu năm 2021 nhưng số lỗ lũy kế là 699 tỷ đồng, nợ quá hạn là 520 tỷ đồng khiến AASC cũng đưa ra ý kiến cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của VOS.
Đối với Đạm Hà Bắc (DHB), ý kiến nghi ngờ đưa ra là do tổng nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 5.601 tỷ đồng; lỗ lũy kế 5.162 tỷ đồng lớn hơn vốn chủ sở hữu 2.393 tỷ đồng.
Đáng chú ý Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) sau soát xét giảm lỗ ròng hơn 40 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Tuy nhiên, kiểm toán không thể xác định liệu báo cáo tài chính hợp nhất này được lập với giả định PVX sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không. Theo đó kiểm toán đã từ chối đưa ra kết luận về báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 của PVX.
Bên cạnh đó các công ty kiểm toán cũng đặt dấu hỏi về khả năng hoạt động liên tục của nhiều doanh nghiệp do các vấn đề liên quan tới lỗ lũy kế, tình hình vay nợ như Đại Dương (OGC), BOT Cầu Thái Hà (BOT), Công ty Fortex (FTM)…
Các doanh nghiệp trên đều đã có ý kiến giải trình và khẳng định hoạt động kinh doanh vẫn là bình thường trong đó HAGL có thể sử dụng các tài sản và thanh toán các khoản nợ phải trả trong quá trình hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần.
Đối với VOS sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu và cũng sẽ tái cơ cấu đội tàu. Tương tự, Đạm Hà Bắc khẳng định có thể cân đối được dòng tiền để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Các doanh nghiệp khác cũng nêu lên những phương án để khắc phục tình hình hiện tại. Hiện để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, các cổ phiếu trên đều đang nằm trong diện bị kiểm soát của sàn HoSE.
Nhiều vấn đề nhấn mạnh đáng chú ý
Bên cạnh các doanh nghiệp bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục còn xuất hiện loạt doanh nghiệp có nhiều vấn đề nhấn mạnh đáng chú ý trên báo cáo soát xét 2021.
Đáng chú ý nhất là báo cáo soát xét của Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) không chỉ sau soát xét giảm hơn 169 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 12% so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân chênh lệch chủ yếu đến từ chi phí tài chính gấp 2,4 lần so tự lập, lên hơn 112 tỷ đồng do báo cáo soát xét ghi nhận thêm 65,6 tỷ đồng lỗ do pha loãng giá trị khoản đầu tư tài chính.
Bên cạnh đó kiểm toán còn đưa ra ý kiến nhấn mạnh về việc ACV chưa nhận được quyết định phê duyệt quyết toán cổ phần hóa từ ngày chuyển đổi loại hình sang công ty cổ phần vào ngày 31/3/2016 từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trước đó đã có thông tin ban lãnh đạo ACV cho biết đang làm việc với kiểm toán để loại bỏ ý kiến nhấn mạnh trong báo cáo tài chính kiểm toán của ACV, điều này sẽ giúp ACV đủ điều kiện niêm yết trên HoSE trong năm 2022.
Các doanh nghiệp còn lại mặc dù không có số liệu điều chỉnh sau kiểm toán tuy nhiên kiểm toán cũng đưa ra loạt vấn đề về công nợ, trích dự phòng…Đáng chú ý sau soát xét Địa ốc Hoàng Quân chuyển từ có lãi sang thua lỗ trong khi đó HU1 từ lỗ sang có lãi.
Lợi nhuận điều chỉnh sau soát xét
Bên cạnh các vấn đề nêu trên thì cũng xuất hiện nhiều báo cáo lợi nhuận điều chỉnh sau soát xét. Ở chiều thuận lợi có nhiều doanh nghiệp điều chỉnh tăng lợi nhuận sau soát xét trong đó đáng chú ý là báo cáo của PC1 điều chỉnh lợi nhuận lên mức 406 tỷ đồng, tăng 94% so với con số trong báo cáo tự lập trước đó.
PC1 giải trình nguyên nhân do Công ty ghi nhận giá trị khoản đầu tư vào CTCP Khoáng sản Tấn Phát khi chuyển khoản đầu tư từ công ty liên kết thành công ty con theo giá trị ghi sổ.
Tiếp đó chứng khoán Agribank (AGR) cũng báo lãi tăng 86% sau soát xét, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 294 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ 2020, xóa hết toàn bộ lỗ lũy kế.
Ở chiều ngược lại có Nhựa Đông Á (DAG) từ có lãi sang báo lỗ gần 5 tỷ đồng, Tân Tạo (ITA), Fideco (FDC) đều có mức lợi nhuận điều chỉnh giảm mạnh do điều chỉnh tăng chi phí, cá biệt có trường hợp của Sơn Hà Sài Gòn (SHA) là do hạch toán nhầm.
Có thể thấy việc các báo cáo tài chính sau kiểm toán bị điều chỉnh mạnh, đặc biệt là điều chỉnh theo chiều hướng giảm sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến độ tin cậy của các báo cáo tài chính do doanh nghiệp tự lập. Từ đó có thể sẽ ảnh hưởng nhất định đến niềm tin của các nhà đầu tư.