Mỹ chuyển dịch hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam
Nửa đầu năm 2018, trước căng thẳng Trung Quốc – Mỹ lên cao, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra cho nhóm doanh nghiệp dệt may. Một mặt, rủi ro về biến động tỷ giá, đơn hàng, tính bảo hộ… được cho rằng sẽ tác động tiêu cực lên ngành. Ngược lại, việc chuyển dịch dòng hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bối cảnh tiêu cực, một số quan điểm cho hay.
Và mới đây, theo ghi nhận nửa đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may nước ta ghi nhận tích cực khi tăng 17% so với cùng kỳ, đạt 16,5 tỷ USD. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khối hiệp định CPTPP như Úc, Canada, Nhật Bản… đều tăng trưởng tích cực. Về phía doanh nghiệp nói riêng, thống kê cũng cho thấy doanh thu xuất khẩu của hầu hết các đơn vị đều ghi nhận tăng trưởng.
Cùng với đó, đà hỗ trợ thứ hai của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ được xem là cơ hội lớn cho ngành dệt may khi Mỹ đang có xu hướng chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, khiến thị phần nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc giảm từ 42% xuống chỉ còn 36%, đồng thời nâng thị phần hàng từ Việt Nam ở mức 13% lên 14% trong 5 tháng đầu năm.
Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng (PHS).
Nhìn chung, nhiều ý kiến thiên về mặt lợi cho nhóm dệt may, thực tế cũng chứng minh điều này khi bức tranh kinh doanh của đa số doanh nghiệp đều ghi nhận tăng trưởng. Tính trên tổng số 14 đơn vị đã công bố BCTC, tổng doanh thu ghi nhận gần 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng gần 2.000 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 15% và hơn 35% so với nửa đầu năm 2017.
Nửa đầu năm, doanh thu và lợi nhuận hầu hết đơn vị đều tăng trưởng mạnh
Trong đó, hầu hết các đơn vị đều ghi nhận lãi tăng trưởng, đứng đầu có Dệt may Hòa Thọ (HTG) với mức tăng 329%, tăng trưởng trên 70% có Sợi Thế Kỷ (STK) và May Sông Hồng (MSH). Cùng với đó, những đơn vị khác từ lớn đến nhỏ như Gilimex (GIL), Damsan (ADS)… cũng đều khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn hai đơn vị ghi nhận tăng trưởng âm, là May 10 (M10) giảm hơn 5% lợi nhuận và X20 (X20) giảm gần 38% so với cùng kỳ.
Điểm qua về một số đơn vị dẫn đầu ngành, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, VGT) kết thúc quý 2/2018 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuần Tập đoàn đạt 4.986 tỷ đồng, tăng 16,7% so với quý 2 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 302,28 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 doanh thu thuần Vinatex đạt 9.386 tỷ đồng, tăng 13,4% so với nửa đầu năm ngoái và thực hiện được 46% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 480,7 tỷ đồng, tăng 58,4% so với nửa đầu năm ngoái.
Hay May Việt Tiến (Vtec, VGG) lũy kế 6 tháng đầu năm đạt doanh thu thuần 4.612 tỷ đồng, tăng 22,7% so với nửa đầu năm ngoái và thực hiện 55% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 270 tỷ đồng, thực hiện được 75% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. Lợi nhuận sau thuế đạt 223,5 tỷ đồng, tăng 21% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ hơn 215 tỷ đồng.
Thống kê KQKD nửa đầu năm của một số DN dệt may.
Biến động tỷ giá ăn mòn đáng kể lợi nhuận
Bên cạnh điểm sáng, vẫn còn đó nhiều rủi ro cho doanh nghiệp dệt may, như chi phí nguyên vật liệu trước biến động giá bông. Song, theo chia sẻ từ một đơn vị trong ngành, giá bông nhiều năm nay luôn ổn định, từ đầu năm 2018 tuy có tăng song không quá lo ngại. Bởi, hầu hết doanh nghiệp đều đã có đầu vào ổn định từ các khách hàng lớn, chưa kể cũng đã thỏa thuận dự trù phương án tăng giá bán nếu giá bông biến động mạnh. Thực tế, chi phí giá vốn cũng không tác động đáng kể đến lợi nhuận nhóm doanh nghiệp may.
Song, một yếu tố đáng chú ý chính là biến động tỷ giá. Dệt may là một nhóm ngành xuất khẩu, đồng thời có vốn vay bằng ngoại tệ, theo đó biến động thất thường của tỷ giá thời gian qua dấy lên lo ngại cho nhóm dễ tổn thương này.
Và, không ngoài dự đoán, thống kê nửa đầu năm cho thấy lỗ tỷ giá "ăn mòn" một khoản lợi nhuận đáng kể của các doanh nghiệp. Chi tiết, đi đầu bị ăn mòn bởi lỗ tỷ giá có "ông lớn" Vinatex, tổng lãi từ chênh lệch tỷ giá tính đến 30/6/2018 Tập đoàn ghi nhận 22 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lỗ từ chênh lệch tỷ giá lại tăng 121% từ mức 23 tỷ lên 51 tỷ đồng.
Kế tiếp, người dẫn dắt thứ hai là Sợi Thế kỷ (STK) cũng lỗ hơn 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lại ghi nhận lãi tại khoản mục này. Và hầu hết các đơn vị còn lại đều chung cảnh bị ảnh hưởng bởi tỷ giá, có Phong Phú (PPH) ghi nhận lỗ 11 tỷ, Thành Công (TCM) lỗ hơn 7 tỷ, Việt Thắng (TVT) lỗ hơn 2,5 tỷ đồng…