Theo thông tin ước tính từ CTCP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV), 6 tháng đầu năm 2018 Công ty ghi nhận doanh thu 1.674 tỷ, lợi nhuận trước thuế tương ứng đạt 183 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 200% so với cùng kỳ năm 2017. So với kế hoạch 2018, nửa đầu năm ANV đã thực hiện được 53% chỉ tiêu doanh thu và đến 62% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Có thể nói, từng "sống dở chết dở" bởi sa vào những khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, "Zombie" thủy sản Navico đến nay đã thực sự hồi sinh? Khi mà liên tiếp báo lãi lớn trong quý 1-2/2018, được biết quý đầu năm ANV ghi nhận 76 tỷ đồng lãi sau thuế hợp nhất, tăng 3 lần so với con số 25 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Không những vậy, với việc chủ động được nguyên liệu đầu vào trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, cùng những điểm sáng tính đến hiện tại, ông Nguyễn Duy Nhứt – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc ANV – khẳng định xác suất cao là cuối năm 2018 Công ty sẽ vượt chỉ tiêu đề ra, tức đạt 330 lãi trước thuế, tương ứng mức lãi ròng là 300 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu ANV cùng từng bước hồi phục, 1 năm qua thị giá đã ghi nhận bước nhảy vọt hơn 5 lần từ mức dưới 5.000 đồng/cp lên 25.000 đồng/cp (chốt phiên 29/5/2018). Đây cũng là đỉnh cao nhất kể từ lúc ANV niêm yết.
Biến động giá cổ phiếu ANV trong 1 năm và từ khi niêm yết. Cổ phiếu này đã tăng 400% trong 1 năm qua
Cuối năm 2018 sẽ hoàn tất thu hồi từ đợt thoái vốn DAP Lào Cai
Nói về ANV, từng là vua cá tra một thời - đi trước hai "ông lớn" hiện nay là Vĩnh Hoàn (VHC) và Hùng Vương (HVG) – sau nhiều năm liền sa vào cơn bĩ cực tại khoản đầu tư DAP 2 – Vinachem (DAP Lào Cai) đã hồi sinh trở lại. Kể từ tháng 11/2017, sau khi bán dứt điểm được gánh nặng trên, cùng với tình hình thị trường cá tra khởi sắc, ANV liên tiếp ghi nhận tăng trưởng.
Có thể thấy, việc loại bỏ các khoản đầu tư ngoài ngành và tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là thủy sản đã giúp Công ty đạt được kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại trong năm nay. Hiện, nếu xét trên tổng kim ngạch xuất khẩu thì ANV đang xếp vị thứ 2-3 toàn ngành.
Không phủ nhận điều này, ông Nhứt cũng phân trần: "Nhược điểm của ANV là sa đà vào những ngành nghề khác nhiều năm liền Công ty đang dọn dẹp. Thực tế trước đó, chúng ta nghĩ đầu tư đa ngành thì Công ty mới vững chắc được. Thử nghĩ ANV có con cá tra, có DAP… cùng các khoản đầu tư tài chính nhằm đáp ứng vốn là đúng, bây giờ nhìn lại mới thấy sai. Và nó sai do chúng ta không thành công".
Thông tin mới nhất, theo lộ trình thoái vốn tại "cục nợ" DAP Lào Cai, đến cuối năm 2017 tổng phải thu từ đơn vị mua lại là Công ty TNHH Đại Tây Dương ghi nhận 247 tỷ, dự kiến quý 2/2018 Đại Tây Dương sẽ trả 120 tỷ tiếp theo và tất toán ngay trong năm nay.
Vẫn chưa thể đi vào thị trường Mỹ
Mặc dù ANV đang bước vào thời kỳ tốt đẹp trở lại, vùng chăn nuôi đủ đáp ứng 100% nguyên vật liệu, thậm chí có thể dư để bán ra bên ngoài với mặt bằng giá trên đà tăng cao, cơ cấu tài chính "hồi sinh" sau khi dứt điểm những khoản đầu tư ngoài ngành, đẩy mạnh xuất khẩu sang nước ngoài… tuy nhiên băn khoăn của người cầm cương vẫn ở tại thị trường Mỹ.
Theo người đứng đầu ANV, Công ty đã nhiều lần có kế hoạch tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể xuất sang Mỹ do yêu cầu từ thị trường này khá khắt khe. Bù lại, Công ty hiện cũng đã có nhiều ký kết với đối tác bên Trung Quốc – khách hàng dự kiến thay thế Mỹ trong tương lai tại Việt Nam.
"Việc ký kết với Trung Quốc cho thấy ANV đã bước một chân vào cuộc đua chia thị phần tại quốc gia này. Đây là chiến lược đi sau đợi người đi trước khai hoang thị trường mới", ông Nhứt nhấn mạnh.
Tức, nếu những năm trước đây, ANV đã cất công đi khai hoang, tìm thị phần mới, khách hàng mới tại Nga; song do nhiều khó khăn khiến ANV không thể thắng trên sân chơi mình "khám phá" được, khi mà thị phần Nga hiện tại của Công ty thua nhiều đơn vị khác trong ngành. Thì hôm nay, đã có doanh nghiệp khác khai hoang thị trường Trung Quốc, ANV theo đó không phải giới thiệu sản phẩm đến một thị trường hoàn toàn mới mẻ, mà sẽ cạnh tranh trên những khía cạnh khác nhằm thu hút phần lớn thị phần từ quốc gia đông dân này trong tương lai.