CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, VNS) vừa công bố BCTC quý 1/2019 với những tín hiệu tương đối khả quan. Cụ thể, doanh thu Công ty tăng từ 498 tỷ lên 534 tỷ đồng, trong đó đã tăng chủ yếu đến từ mục doanh thu cung cấp dịch vụ vận tải bằng taxi, tăng 12% lên xấp xỉ 463 tỷ đồng. Đi cùng là doanh thu từ cung cấp dịch vụ vận tải theo hợp đồng và dịch vụ lần lượt hơn 66 tỷ và gần 5 tỷ đồng, cùng giảm so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính cũng ghi nhận tăng từ mức 900 triệu lên 1,5 tỷ đồng, trong khi các chi phí tài chính giảm, chi phí bán hàng cũng điều chỉnh giảm. Kết quả là, quý 1/2019 Vinasun có lãi thuần từ hoạt động kinh doanh trở lại, so sánh với mức lỗ đến 17 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Về khoản thu nhập khác, được biết trước năm 2017, việc thanh lý xe luôn tăng đều qua các kỳ báo cáo. Thậm chí, con số từ công tác này tăng mạnh vào quý cuối năm 2017, đóng góp phần lớn lợi nhuận lúc bầy giờ cho Vinasun.
Tuy nhiên, từ quý 1/2018, lãi thanh lý xe bắt đầu giảm, cho thấy tình hình kinh doanh khả quan trở lại, trong bối cảnh thị trường giảm áp lực từ Uber. Mặc dù vậy, lãi từ thanh lý vẫn mang về cho Vinasun hàng chục tỷ mỗi quý, thậm chí cuối năm qua vẫn đóng góp gần phân nửa tổng lợi nhuận mặc dù lãi thanh lý đã giảm mạnh so với năm 2017.
Điểm sáng đầu năm nay, lãi thanh lý xe giảm mạnh, hơn 3 lần về chỉ còn gần 6 tỷ đồng. Thay vào đó thu nhập từ quảng cáo trên taxi tăng mạnh, ghi nhận đạt 14 tỷ quý đầu năm, tương đương 44% tổng lợi nhuận sau thuế Công ty, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế Công ty quý đầu năm đạt 32 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với mức 11,6 tỷ hồi quý 1/2018.
Tính đến cuối quý 1/2019, Công ty có tổng tài sản vào mức 2.647 tỷ, giảm nhẹ so với mức 2.720 tỷ đầu kỳ. Đáng chú ý, khoản mục chi phí xây dựng cơ bản tăng mạnh từ mức 100 triệu lên hơn 8 tỷ đồng, đây là tài sản phương tiện vận tải của Công ty. Tổng nợ Vinasun giảm về 955 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu Công ty là 1.692 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2018, doanh thu thuần Vinasun chỉ đạt 2.073 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm trước, xuống thấp nhất kể từ năm 2011. Lợi nhuận của Vinasun thậm chí giảm hơn 50%, xuống 115 tỷ đồng, thấp nhất kể từ năm 2009. Năm qua, lợi nhuận gộp từ hoạt động vận tải hành khách chỉ giảm 14%. Tuy nhiên, lợi nhuận của Vinasun lại giảm sâu do sự suy giảm của hoạt động thanh lý xe. Năm nay, Vinasun chỉ lãi 48,5 tỷ đồng từ thanh lý tài sản trong khi năm ngoái lãi tới 168 tỷ đồng.
Số lượng nhân viên của Vinasun tiếp tục giảm, còn 6.761 người vào cuối năm 2018, giảm 356 người so với cuối năm 2017. Trước đó, Vinasun đã phải cắt giảm khoảng 10.000 nhân sự trong năm 2017.
Được biết, Vinasun đã khởi kiện Công ty TNHH Grab (Grab) từ tháng 6/2017 với quan điểm thể hiện, Grab đã thông qua việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành quyết định 24 về "Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" (Đề án 24) để thực hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.
Theo Vinasun, những vi phạm của Grab đã khiến Công ty bị thiệt hại gần 42 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Phiên tòa đã được mở 2 lần vào tháng 2 và tháng 9/2018 nhưng sau đó đã bị hoãn. Đến cuối năm 2018, Toà án nhân dân Tp.HCM đã ra phán quyết cuối cùng. Trong đó, về yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại gần 42 tỷ đồng của Vinassun, HĐXX cho rằng dù xác định được thiệt hại do sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường nhưng không xác định được phần thiệt hại nào do Grab gây ra, phần nào do các yếu tố khác. Do đó, HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 4,8 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền một số vấn đề về quản lý.