Mức tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm của ngành ngân hàng khá ấn tượng, tuy nhiên động lực thúc đẩy chính đến từ quý 1. Điều này có chút khác biệt với mọi năm khi lợi nhuận các nhà băng thường thấp ở những tháng đầu năm và bắt đầu bứt phá vào nửa cuối năm nhờ vào mùa kinh doanh.
9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của 28 ngân hàng đã công bố BCTC là hơn 67.800 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận quý 1 của những nhà băng này là gần 25.000 tỷ, đóng góp 37% lợi nhuận 9 tháng. Lợi nhuận quý 2 và quý 3 lần lượt giảm, chỉ đạt hơn 21.800 tỷ và 21.100 tỷ. Thống kê thấy 20/28 ngân hàng có lợi nhuận quý 3 thấp hơn với trung bình 2 quý trước đó.
Không chỉ giảm so với nửa đầu năm, lợi nhuận trong quý 3 của nhiều ngân hàng còn tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Ngân hàng giảm mạnh nhất phải kể đến VPBank, khá gây bất ngờ vì vốn là nhà băng có tốc độ tăng trưởng vũ bão những năm trước. Quý 3/2018, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này chỉ đạt 1.749 tỷ đồng, giảm 26,3% so với cùng kỳ; gần bằng với quý 2/2018 và giảm 33% so với quý 1/2018. Sự sụt giảm ở quý 2 và quý 3 khiến lợi nhuận 9 tháng của VPBank chỉ tăng nhẹ 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6.125 tỷ đồng và sắp bị MB bắt kịp.
Một ngân hàng nữa có thị phần lớn trên thị trường tín dụng tiêu dùng là HDBank cũng ở hoàn cảnh tương tự như VPBank. Lợi nhuận quý 3 của nhà băng này chỉ đạt 821 tỷ, giảm 20% so với cùng kỳ và cũng thấp hơn so với 2 quý đầu năm.
2 công ty tài chính tiêu dùng HD Saison của HDBank và Fe Credit của VPBank đang ngày càng có tỷ lệ đóng góp ít hơn. Theo tính toán của chứng khoán Bản Việt VCSC, 9 tháng đầu năm, HD Saison chỉ còn đóng góp khoảng 21,4% vào lợi nhuận hợp nhất của HDBank. Trong khi đó, Fe Credit cũng chỉ còn đóng góp khoảng 37% cho lợi nhuận VPBank, giảm mạnh so với mức 45% thường thấy trong các kỳ báo cáo trước.
Ngoài ra, nhiều nhà băng nữa có lợi nhuận quý 3 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ có thể kể đến VieitnBank (giảm 3,7%), SHB (giảm 34%), Sacombank (giảm 29%), LienVietPostBank (giảm 34%), ABBank(giảm 42%), MaritimeBank (giảm 64%), Saigonbank (giảm 85%), NCB (giảm 20%), PGBank (giảm 181%).
Nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận ở từng ngân hàng khá đa dạng, tuy nhiên đa số là do phải tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro. Chẳng hạn, tại Sacombank chi phí dự phòng quý 3 tăng đến 378% lên 664 tỷ đồng, chiếm đến 67,5% lợi nhuận thuần; tại LienVietPostBank tăng 89% lên 204 tỷ đồng; tại Saigonbank tăng gấp 4,5 lần lên 81 tỷ; MaritimeBank tăng 264% lên 324 tỷ đồng. Ngay cả ông lớn VietinBank cũng có lợi nhuận sụt giảm nhẹ 3,7% do chi phí dự phòng tăng tới 86%.
Ngoài ra, việc không được nới room tín dụng dẫn đến thu nhập lãi thuần bị giảm hay không còn ghi nhận các khoản thu đột biến cũng khiến lợi nhuận diễn biến kém khả quan. Điển hình như Saigonbank có thu nhập lãi thuần giảm 11%, LienVietPostBank giảm 7%. SHB không còn khoản thu đột biến từ hợp tác bảo hiểm như cùng kỳ khiến lãi từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh 93%.
PGBank ở trường hợp đặc biệt khi có xu hướng thu hẹp hoạt động trước thềm sáp nhập với HDBank, dẫn tới kết quả kinh doanh sụt giảm.
Dù lợi nhuận sụt giảm, nhiều ngân hàng nói trên có điểm sáng chung là lãi từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng tốt, thậm chí là động lực tăng trưởng chủ yếu. Như VietinBank có lãi từ hoạt động dịch vụ trong quý 3 đạt tới 787 tỷ, hơn 2 lần mức đạt được cùng kỳ; HDBank tăng tới hơn 3 lần đạt 115 tỷ; Sacombank tăng 37% đạt 626 tỷ.
Trong một báo cáo phân tích mới đây, các chuyên gia của chứng khoán Rồng Việt VDSC nhận định rằng, tăng trưởng của nhóm ngân hàng có dấu hiệu chậm lại và điều này phù hợp với dự đoán trước đó rằng tăng trưởng của ngành dường như đã đạt đỉnh trong nửa đầu năm.