Mất hàng trăm tỷ khi áp dụng ''zero fee''
Bắt đầu tư đầu năm nay, Vietcombank đã miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên VCB Digibank - kênh ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân. Đồng thời, ngân hàng cũng miễn toàn bộ các loại phí quản lý và duy trì dịch vụ bao gồm: Phí duy trì dịch vụ VCB Digibank và phí quản lý tài khoản.
Trước đó, Vietcombank là một trong những ngân hàng có mức phí dịch vụ chuyển tiền cao nhất hệ thống. Chẳng hạn phí chuyển tiền nhanh 24/7 khác hệ thống Vietcombank là từ 5.000 đồng/giao dịch đến 1 triệu đồng/giao dịch. Hay kể cả chuyển tiền trong hệ thống Vietcombank cũng mất 2.000-5.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm VAT). Ngoài ra, phí quản lý tài khoản mặc định trên VCB Digibank là 2.000 đồng/tháng, phí duy trì dịch vụ VCB Digibank là 10.000 đồng/tháng.
Trong giai đoạn 2016 – 2021, các loại phí chuyển khoản, phí duy trì và quản lý tài khoản đã góp hàng trăm, nghìn tỷ vào thu nhập của Vietcombank. Do đó, việc triển khai chính sách "zero fee" đã khiến thu nhập từ mảng dịch vụ của ngân hàng bị ảnh hưởng không nhỏ.
SSI Research cho biết, thu từ ngân hàng số trong quý I của Vietcombank đã giảm khoảng 500 tỷ đồng so với cùng kỳ do triển khai chương trình miễn phí giao dịch bắt đầu diễn ra trong năm 2022.
Còn theo Chứng khoán Rồng Việt, đã xuất hiện những thay đổi mang tính cấu trúc trong thu nhập phí của Vietcombank trong quý I/2022 sau khi triển khai chương trình ''zero fee''. Cụ thể, điều này dẫn đến sự sụt giảm về mức gần như bằng không của thu nhập phí từ Digibank. Sau chi phí, thu nhập phí thuần từ Digibank âm (năm 2021, mảng này chiếm 18% tổng thu nhập phí thuần).
''Đây là yếu tố chính dẫn đến việc thu nhập phí thuần giảm mạnh. Cơ cấu thu nhập phí sẽ chuyển dịch mang tính cấu trúc sang thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, bancassurance (bao gồm hoa hồng, phí trả trước và thưởng), thẻ và các mảng thanh toán nội địa khác'', VDSC nhận định.
Những ''trái ngọt'' đầu tiên
Dù thu nhập từ phí yếu đi trong quý vừa qua, nhưng SSI Research cho biết, Vietcombank cũng đã giành lại một phần thị phần tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Theo đó, thị phần CASA của Vietcombank lần đầu tiên tăng lên sau ba năm.
Nhóm phân tích cho rằng việc miễn phí chuyển tiền bắt đầu từ năm 2022 đã giúp lượng tiền gửi không kỳ hạn của Vietcombank tăng thêm 27.000 tỷ đồng (tăng 7,4% so với đầu năm), phần lớn đến từ khách hàng bán lẻ. Tỷ lệ CASA giữa khách hàng cá nhân & SMEs và các doanh nghiệp lớn là 40%/60%.
Tại thời điểm cuối quý I/2022, tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi (bao gồm cả tiền gửi có kỳ hạn) của Vietcombank đạt 33% (so với cuối năm 2021 là 32% và mục tiêu của ngân hàng cho năm 2022 là 35%).
Trong số ba NHTM Nhà nước áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản trong năm 2022, Vietcombank thu hút được nhiều tiền gửi không kỳ hạn nhất. BIDV và VietinBank có tổng tiền gửi không kỳ hạn tăng lên lần lượt đạt 5.000 tỷ và 10.000 tỷ đồng, với tỷ lệ CASA đều là 20% (tăng nhẹ 0,6% so với cuối năm 2021).
''Chúng tôi cho rằng tỷ lệ CASA đang cải thiện đúng kỳ vọng và mục tiêu của Vietcombank về tỷ trọng 35% tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi có thể đạt được. Do đó, chi phí huy động vốn sẽ có thể bù đắp với mức giảm phí giao dịch và ngân hàng số", SSI Research đánh giá.
Trước đó, lãnh đạo ngân hàng cũng không ít lần cho biết việc miễn phí chuyển khoản online là bước đi chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu tăng quy mô khách hàng cũng như tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) - loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ 0,1%/năm. Cụ thể, việc ngừng thu phí chuyển tiền online sẽ giúp đẩy mạnh kênh ngân hàng số và lượng tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng, qua đó giúp hạ chi phí vốn.
''Tiền gửi giá rẻ là một trong ba trụ cốt chính giúp ngân hàng tăng trưởng. Trong đó, Vietcombank có nguồn tiền giá rẻ quy mô lớn nhất hệ thống, tỷ lệ CASA sẽ ngày càng tăng", ông Nghiêm Xuân Thành, nguyên Chủ tịch Vietcombank chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2021.