Hiện tổng đàn lợn của địa phương này đã đạt mức gần 2,5 triệu con, tăng hơn 400.000 ngàn con so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy đa số lượng lợn tăng đàn gần đây đều còn nhỏ nên đây cũng là mối lo về lâu dài của người nuôi...
Bà Nguyễn Thị Hương, một hộ nuôi lợn tại xã Gia Tân, huyện Thống Nhất, Đồng Nai cho biết, sau thời gian dài bị rớt giá, giá lợn hơi tăng mạnh gần đây khiến người nuôi rất phấn khởi. Hiện gia đình bà đang có hơn 300 con, trong đó số lợn đang ở thời kỳ xuất bán chiếm hơn phân nửa nên trừ chi phí, mỗi con lợn xuất bán, hộ của bà sẽ có lời khoảng 500.000 đồng.
Dù vậy, so với số lượng nuôi từ 400 - 600 con thời điểm heo rớt giá trước đây, thì lợi nhuận bà Hương thu về hiện tại chưa thể bù đắp nổi khoản thua lỗ do lợn rớt giá những lần trước.
Giá thịt cao, nhưng các nhà quản lý khuyến cáo người nuôi thận trọng với việc tăng đàn.
Giá lợn xuất chuồng neo ở mức cao, gia đình bà Hương cũng đã có ý đinh tăng đàn lên 500 con, song vẫn đang phải cân nhắc, lưỡng lự và tiếp tục tìm hiểu thị trường trước khi đưa ra quyết định có tăng đàn hay không.
Là địa phương cung cấp lượng lợn thịt rất lớn ra thị trường, nhưng hiện nay ở Đồng Nai quy mô nuôi lợn theo kiểu hộ gia đình như trường hợp của bà Hương chỉ chiếm chưa đầy 40% tổng đàn; số còn lại chủ yếu được nuôi theo hình thức trang trại tập trung thuộc các doanh nghiệp (DN) lớn có vốn đầu tư nước ngoài.
Với thực trạng này, đa số người dân địa phương vẫn đang chủ yếu phải hợp tác, liên kết để nuôi gia công cho các DN đầu mối. Do đó việc chăn nuôi tự phát của các hộ nông dân khó có thể đoán định, kiểm soát được đầu ra của thị trường tiêu thụ so với các DN lớn nên việc tăng đàn hiện nay là bài toán không hề đơn giản dù giá lợn đang neo ở mức cao và ổn định. Khi quyết định tăng đàn thời điểm hiện nay, thì ít nhất cũng phải 6 - 8 tháng sau mới có thể xuất bán.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, DN trong nước đã nhập về trên 20.000 tấn thịt lợn thành phẩm các loại với giá đã bao gồm thuế phí chỉ ở mức hơn 30.000 đồng/kg, bằng 1/3 giá thịt lợn trong nước bán lẻ ngoài chợ.
Theo một số nhà quản lý trong lĩnh vực chăn nuôi, giá thịt lợn trong nước ở mức cao như hiện nay, chắc chắn các DN sẽ còn tiếp tục nhập thịt lợn thành phẩm từ nước ngoài về tiêu thụ. Thịt lợn thành phẩm nhập khẩu với giá rẻ như vậy sẽ tác động không ít trong việc kéo giá thịt lợn trong nước giảm xuống.
Đồng thời, giá thịt lợn thành phẩm nhập khẩu rẻ như vậy cũng là điều mà chính người nuôi lợn trong nước phải tự nhìn nhận lại vấn đề chi phí và hiệu quả chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn cao hiện nay là do thời gian trước đó người nuôi bỏ đàn nhiều. Song nguồn thịt lợn ở Đồng Nai không vì thế mà thiếu hụt, mà ngược lại vẫn đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường nội địa; giá lợn xuất chuồng neo cao như vậy chỉ mang tính cục bộ chứ không phải giá sốt do không còn nguồn cung.
Hiện TP Hồ Chí Minh vẫn là nơi tiêu thụ nguồn lợn lớn nhất của Đồng Nai, trung bình mỗi ngày khoảng 5.000 con. Số lượng này dù có giảm so với thời gian trước nhưng thực tế là giảm về lượng tiêu thụ chứ không phải thiếu hụt nguồn lợn cung cấp cho các chợ đầu mối của thành phố.
Theo nhận định của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, việc giá tăng cao như thời gian gần đây xuất phát từ các DN chăn nuôi lớn, họ nắm trong tay số lượng lợn lớn và phân phối các đầu mối tiêu thụ quan trọng nên ở mức độ nào đó thì họ cũng chủ động được trong việc nâng giá lợn hơi.
Ông Đoán nhìn nhận, do người dân ở Đồng Nai chủ yếu nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi lớn với giá hưởng lợi từ 200.000 - 250.000 đồng/con, nên xem như người nông dân đang làm công cho các DN chăn nuôi.
Do đó để có giải pháp về lâu dài và mang tính bền vững cho người chăn nuôi thì chính người dân phải chủ động trong việc đổi mới cách thức chăn nuôi để tăng năng suất, hạ giá thành nhằm đủ sức cạnh tranh với chính các DN trong nước cũng như ngoài nước kể cả lợn nhập khẩu.
Tuy nhiên theo chúng tôi, thời điểm này người nuôi không nên tăng đàn một cách ồ ạt mà phải thận trọng với mức tăng chừng mực; tránh tình trạng tạo nguồn cung quá lớn so với nhu cầu tiêu thụ trong chu kỳ xuất bán sắp tới đẩy chính mình vào cảnh lao đao vì giá lợn xuống thấp như năm 2016”, ông Đoán chia sẻ và khuyến cáo.