Năm ngoái, khi dịch tả lợn châu Phi lây lan ra 63/63 tỉnh, thành phố, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, thủy sản. Liệu có phải do chúng ta không có kế hoạch chi tiết, đưa ra con số cụ thể nên dẫn đến đàn gia cầm tăng trưởng nóng, giá giảm mạnh, thưa Thứ trưởng?
- Đối với chăn nuôi gia cầm hiện nay, do quy trình sản xuất ngắn, 1 lứa gà công nghiệp chỉ khoảng 40-45 ngày, còn gà ta thả vườn khoảng 3-4 tháng/lứa, nên trong 1 năm bao giờ cũng có những giai đoạn bán chậm. Thường là 4 tháng đầu năm bán kém, nhất là sau Tết Nguyên đán, sau đó là sẽ bán bình thường, rồi bán dễ hơn vào 4 tháng cuối năm. Như vậy cộng lại cả năm, ngành chăn nuôi gia cầm thường vẫn có lãi.
Đây là quy luật chung đã diễn ra nhiều năm, thực tế là 2 tuần nay, giá các mặt hàng gia cầm đã bắt đầu nhích lên.
Trại nuôi gà thịt thương phẩm tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, Quảng Ninh. (ảnh Q.N.G)
Vậy Bộ NNPTNT đã xây dựng kịch bản sản xuất gia cầm nói riêng và các sản phẩm chăn nuôi như thế nào để bớt cảnh giá gia cầm dội chợ, còn giá lợn thì tăng quá nóng như hiện nay?
- Giá gia cầm giảm sâu thời gian qua, ngoài việc tổng đàn tăng nhanh, còn có nguyên nhân lớn từ dịch Covid-19 khiến các lễ hội, sự kiện lớn tập trung đông người phải hủy bỏ; trường học đóng cửa; các bếp ăn tập thể, nhà hàng, dịch vụ du lịch, khách sạn bị đình trệ, trong khi đây là những lĩnh vực tiêu dùng trứng và thịt gia cầm rất lớn.
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu ngành chăn nuôi đoàn kết hơn nữa, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhưng không lơ là, chủ quan triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trong tâm trong năm 2020, đó là tuyên truyền, phổ biến Luật Chăn nuôi. Đặc biệt, trong năm 2020 cần phối hợp với ngành thống kê, Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, nắm bắt lại tổng đàn gia súc, gia cầm để đưa ra số liệu, đánh giá, chỉ đạo điều hành và định hướng sát với thực tiễn nhất. |
Chúng tôi cũng đang yêu cầu các địa phương có báo cáo cụ thể về tổng đàn lợn, đàn gia cầm để phục vụ báo cáo tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ đầu tháng 5 tới đây.
Trong đó, kế hoạch sản xuất sẽ phải đưa ra được con số cụ thể hơn theo từng tháng, từng quý; xây dựng cơ cấu cụ thể sản lượng thịt lợn thế nào; thịt gia cầm, trứng bao nhiêu, ngoài ra còn tính tới sản lượng thịt bò, thủy sản để tránh chuyện cuối năm lại dư thừa.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trong khi các dịch bệnh trên vật nuôi cũng đang rình rập, nguy cơ bùng phát cao. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng cho lĩnh vực này là bao nhiêu, thưa ông?
- Trong định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040, ngành nông nghiệp đã đặt ra mục tiêu mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2025 trung bình 4 - 5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt trung bình 3 - 4%/năm.
Để đạt được mục tiêu này, sắp tới đây phải đẩy mạnh hơn nữa chăn nuôi gia cầm, gia súc, bò sữa và các vật nuôi khác như trong Luật Chăn nuôi đã có. Điều này sẽ khơi được tất cả tiềm năng của ngành chăn nuôi, đồng thời góp phần thay đổi cơ cấu dinh dưỡng bữa ăn của người tiêu dùng theo hướng khoa học hơn, cân đối hơn chứ không phải chiếm tới 70% thịt lợn như trước.
Thí dụ, chúng ta có thể tăng sản lượng thịt gia cầm lên 20-22%, thịt bò, thịt trâu 10 - 12%, ngoài ra còn trứng, sữa để giảm sản lượng thịt lợn xuống mức 60 - 62%. Năm 2019, ngay khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, Bộ NNPTNT cũng đã chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu ngành chăn nuôi nên tỷ lệ thịt bò tăng lên 8.500 tấn, thịt dê, cừu tăng 4.100 tấn, thịt gia cầm tăng lên hơn 300.000 tấn, trứng riêng trong quý I/2020 đã đạt hơn 4,1 tỷ quả.
Năm ngoái, khi dịch tả lợn châu Phi lây lan ra cả nước, nếu chúng ta không có 336.000 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại cộng với hơn 300.000 tấn thủy sản, trứng, sữa thì chắc chắn diễn biến thị trường sẽ phức tạp hơn, thậm chí giá thịt lợn còn có thể tăng cao hơn nữa như bên Trung Quốc đã gặp phải.
Xin cảm ơn ông!