Dù không nhìn thấy bằng mắt thường, từ năm 2010, thủ đô London của Anh có mức ô nhiễm không khí vượt cho phép với nồng độ nitơ điôxit ở mức đặc biệt nguy hiểm, chủ yếu từ các phương tiện chạy bằng dầu diesel, tờ Financial Times cho biết.
Mùa hè năm nay, nắng nóng bất thường khiến khí ozone (O3) trong không khí tại London tăng mạnh - sản sinh khi nắng mặt trời phản ứng với nitơ điôxit - khiến loạt ảnh báo về ô nhiễm được đưa ra.
Dù những thành phố như Bắc Kinh (Trung Quốc) hay New Delhi (Ấn Độ) thường gây chú ý hơn với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, tuy nhiên, ô nhiễm không khí tại London lại lại là vấn đề nan giải.
Dựa trên một số phương pháp đó, ví dụ như phần tử không khí cực nhỏ, khói bụi tại New Delhi và Bắc Kinh trong tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với London. Tuy nhiên, nếu xét về nồng độ nitơ điôxit trong không khí - có thể gây ra các bệnh về phổi và làm giảm tuổi thọ - London không kém cạnh so với thủ đô Trung Quốc và Ấn Độ, và tệ hơn nhiều so với các thành phố phát triển khác như New York (Mỹ) hay Madrid (Tây Ban Nha).
Tình trạng ô nhiễm không khí tại London vẫn tiếp diễn bất chấp những chính sách thúc đẩy việc đi xe đạp cũng như tăng phí giao thông giúp giảm 25% lượng phương tiện trên đường trung tâm thành phố trong 10 năm qua. Hệ thống đường xá, làn đường đi xe đạp và các phương tiện cho thuê cá nhân tại London vẫn giảm rất chậm chạp.
"Dù không nhìn thấy được vì những phân tử không khí này rất nhỏ, ảnh hưởng thực tế của chúng có thể rất lớn", một quan chức London cho biết.
Shirley Rodrigues, phó thị trường London, cho biết thành phố đang ở "điểm bùng phát", buộc phải hành động ngay.
"Không chỉ bởi vì đã có hàng nghìn người chết, mà còn bởi những căn bệnh mãn tính có thể khiến dịch vụ y tế tốn rất nhiều tiền. Điều này đang ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân", bà Rodrigues cho biết.
Tình trạng khẩn cấp này cũng liên quan tới hàng loạt vụ kiện trong đó tòa án kết luận chính phủ đã không hành động đủ mạnh để tuân thủ các quy định về giới hạn ô nhiễm không khí của Liên minh châu Âu (EU).
Ô nhiễm không khí cũng là nguyên nhân khiến hơn 9.000 người chết sớm mỗi năm tại London, theo một nghiên cứu của King's College. Các nhà nghiên cứu của Đại học Queen Mary London cũng mới phát hiện ra rằng kể cả khối lượng ô nhiễm rất nhỏ cũng có liên quan tới những thay đổi trong cấu trúc hoạt động của tim.
Thị trường London từ năm 2016, Sadiq Khan đặt vấn đề xử lý ô nhiễm không khí làm ưu tiên hàng đầu với cam kết chi 800 triệu Bảng cho các sáng kiến làm sạch không khí trong vòng 5 năm. Những giải pháp của chính phủ nước này cho thấy không khí tại London vẫn chưa thể tuân thủ giới hạn cho phép tới năm 2025.
Dữ liệu đo được ở trung tâm London cho thấy mức độ ô nhiễm cao nhất toàn thành phố, vưới lượng nitơ điôxit vượt mức cho phép 120 lần vào năm ngoái. Chính quyền thành phố đổ lỗi cho các thiết kế đường phố từ thời trung cổ, các tòa nhà cao tầng và khí thải từ các phương tiện giao thông tại khu vực trung tâm. Trong khi đó, tại các nơi còn lại của thành phố, tình trạng tắc nghẽn giao thông và phương tiện chạy bằng dầu diesel là 2 nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, sự thờ ơ của chính quyền cũng được cho là một trong những nguyên nhân. Khi còn là thị trưởng thành phố từ 2008 - 2016, Boris Johnson đã loại bỏ kế hoạch mở rộng chống ùn tắc và hoãn các kế hoạch giảm lượng khí thải trong không khí.
Tình hình của London cho thấy ô nhiễm không khí là vấn đề vô cùng nan giải. Kể cả khi kiểm soát được khí thải từ phương tiện giao thông, các vấn đề như ô nhiễm nông nghiệp và máy bay thậm chí còn phức tạp hơn. Và khi ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ tác hại của ô nhiễm môi trường gây ra cho sức khỏe con người, Tổ chức Y tế Thế giới có thể sẽ thắt chặt các giới hạn an toàn. Khi đó, cuộc chiến làm sách bầu không khí của London sẽ còn khó khăn hơn nữa.