“Vượt lên người khổng lồ” ngay từ cái tên đã khiến nhiều người tò mò, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu Tư (nguyên Tổng biên tập báo Đầu tư) nhận xét với Trần Uyên Phương. Ông Tuấn nói rằng việc kể lại hành trình của Tân Hiệp Phát rất có ý nghĩa với nhiều người, trong đó có cả William M.Doheny, nguyên TGĐ Coca-Cola Việt Nam – đối thủ lớn của gia đình Trần Uyên Phương.
Vị này đã mô tả cuốn sách là “một sự chia sẻ hào phóng, một cuốn sách hữu ích”.
Dù vậy, sự hào phóng này không dễ dàng, ngay cả khi bỏ qua yếu tố phải trải lòng về kinh nghiệm và phương thức kinh doanh gia đình. Bởi người viết còn là người điều hành một tập đoàn lớn. “Tôi làm liên tục 16 tiếng mỗi ngày, có khi còn nhiều hơn. Nhiều hôm mở mắt từ 5h sáng đã bắt tay vào làm”, Phương chia sẻ về công việc của mình.
Nhưng cuốn sách hơn 200 trang được cô viết chung với nhà báo Jackie Horne và chuyên gia kinh tế John Kador vẫn hoàn thành.
Giải thích cho độc giả, Phương nói ngắn gọn trong 2 từ: “tình yêu”. Đó là một tình yêu rất lớn đến từ gia đình nhỏ - họ Trần và từ gia đình lớn hơn là Number One. Điều này cũng nhanh chóng được cô cụ thể hoá bằng một clip ngắn, khoảng 2 phút, ghi lại những hình ảnh của gia đình Dr Thanh, trên nền nhạc “Ngọn lửa khát vọng của cha”, do chính ông Trần Quí Thanh viết thể hiện.
“Cảm ơn ba má, cảm ơn Tân Hiệp Phát”, Phương nói.
Đây cũng không phải lần duy nhất trong buổi giao lưu, Phương nhắc đến tình thương của cha cô. Khi được đặt một câu hỏi khá riêng tư, Phương cho biết điều quan trọng của phụ nữ là được những người đàn ông ở bên cạnh tạo điều kiện để tự do phát triển.
“Không phải vì mọi người có chồng nên con phải có chồng”, Phương nhắc lại câu nói của cha cô. Ông luôn nói với con gái rằng kết hôn không phải là một điều bắt buộc nếu vì nó là điều thường thấy ở những người khác. Quan trọng hơn cho con gái mình, ông nhấn mạnh yếu tố phù hợp.
“Con cảm thấy đó là người có thể sống suốt đời thì con cứ chọn. Và đã chọn thì phải chấp nhận quyết định đó”, Phương nhớ lại và cho biết chưa lần nào cô “bẫy” thành công cha mình khi hỏi “có duyệt được anh này không”.
“Cô gái tỷ đô” của Tân Hiệp Phát hiểu điều này như một sự tự do, một sự hỗ trợ tuyệt đối từ người cha, để những người phụ nữ xung quanh ông được toả sáng. Chính tình thương, sự ủng hộ của ông, như một người khổng lồ ở phía sau, giúp cô thực hiện được khát vọng vượt lên trên những gã khổng lồ khác.
Tân Hiệp Phát là bắt đầu từ một doanh nghiệp địa phương nhỏ bé, theo Trần Uyên Phương. Ở thời điểm đó, xung quanh gia đình cô là những người khổng lồ với thị phần chiếm đa số. Thứ mà Tân Hiệp Phát lúc này có, là tinh thần “không gì là không thể” cùng với sứ mệnh duy nhất “muốn phục vụ người tiêu dùng”.
“Chúng tôi luôn ý thức hôm nay tốt hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”, Phương nói và giải thích đây là yếu tố cơ bản phải có để đạt được vị thế như hôm nay.
Chia sẻ của Uyên Phương nhận được sự đồng ý tuyệt đối của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT. Ông nhấn mạnh thành công vượt lên trên người khổng lồ phải xuất phát từ tâm trí của cả gia đình Dr Thanh. “Bạn phải muốn làm thế”, ông nói.
Một trong những khách mời khác, Thi Anh Đào, Giám đốc điều hành Isobar Việt Nam đặt câu hỏi về sự cạnh tranh với những người khổng lồ. Cô cho biết những năm trở lại đây, một xu hướng đã được thành hình khi ngày càng nhiều các doanh nghiệp nhỏ trỗi dậy, cạnh tranh và đánh bại những “gã khổng lồ”. Dù vậy, câu chuyện này cũng chỉ mới thấy ở châu Á 10 năm trở lại đây nhưng tại Việt Nam, điều này càng không phổ biến.
Điều này được Trần Uyên Phương thừa nhận rằng Việt Nam đúng là có nhiều điểm hạn chế, nhưng không có nghĩa là người Việt không làm được.
Phương nhận xét khi ranh giới giữa các quốc gia càng lúc bị mờ đi, đối với những doanh nghiệp non trẻ, như là Tân Hiệp Phát – 24 năm, nếu không bắt kịp hoặc vượt lên, chắc chắn sẽ đi thụt lùi. Đây là câu chuyện của cạnh tranh toàn cầu.
Các doanh nghiệp theo đó phải nỗ lực hơn để không chỉ phục vụ cho địa phương, quốc gia của mình mà còn phải cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho người tiêu dung thế giới thì mới có thể phát triển bền vững được.
Theo TS. Võ Trí Thành, thời đại toàn cầu hoá đặt ra yêu cầu phải mở cửa chào đón các tập đoàn đa quốc gia, từ đó, học hỏi, cạnh tranh và chiến thắng. Sau 30 năm thăng trầm Đổi mới, ông Thành nhận định đã đến lúc doanh nghiệp Việt không chỉ nỗ lực bắt kịp với thế giới mà phải dám đi cùng, dám vượt lên.
Doanh nghiệp trong nước, không chỉ là vượt lên một, mà còn nhiều người khổng lồ khác. Như tựa đề của cuốn sách, vốn để “Giants” ở số nhiều. Và cuốn sách, khi được dịch ra tiếng Việt, TS Võ Trí Thành mong muốn tên của nó là: “Vượt lên những người khổng lồ” chứ không phải như bản tạm dịch “Vượt lên người khổng lồ”.
Nói thêm, ông Trương Gia Bình đề cập đến câu chuyện của ý chí bởi trở thành người khổng lồ và vượt qua những người khổng lồ đã đi trước không hề đơn giản. Đó là cuộc chơi của những đấu sĩ mà “Dr Thanh đã luyện được sự can trường trong chuồng heo (trích từ những chi tiết về cuộc đời kinh doanh của ông Trần Quí Thanh –PV)”.
“Họ không biết sợ. Giống như FPT, cuộc sống của chúng tôi không có quyền sợ hãi. Đấy là điểm xuất phát quan trọng. Ai muốn ra đấu trường lớn, phải luyện được lòng dũng cảm. Sợ hãi sẽ không làm được đâu”, ông Bình nhấn mạnh.
Mặt khác, sự chiến thắng của Tân Hiệp Phát cũng không ngẫu nhiên. Ông Bình đánh giá cao sự ám ảnh về khách hàng của Tập đoàn này. Nhờ vào đó, sản phẩm được làm ra trên nền tảng hiểu thấu người tiêu dùng và trao cho họ những giá trị mà doanh nghiệp khác không tạo ra được.
Tình cờ đọc được câu chuyện của Uyên Phương qua Facebook, Trang Lê – “bà trùm” của giới người mẫu Việt Nam không giấu được xúc động. Trang nói rằng bản thân không biết phải diễn tả như thế nào. “Đó là sự tự hào lớn”, Trang Lê cho biết.
Bởi khi nhìn vào người phụ nữ bé nhỏ như Phương, Trang Lê cũng nghĩ đến mình. Dù đồng ý với Phương là động lực xuất bản sách đến từ tình yêu nhưng dường như tình yêu vẫn là chưa đủ. Trang tìm thấy trong 200 trang sách này là cả khát vọng.
“Không chỉ là khát vọng của Tân Hiệp Phát nói riêng, còn là khát vọng của người Việt trong bối cảnh toàn cầu hoá”, cô nói.
Kể câu chuyện của mình, Trang Lê nói rằng cô hay nhận được câu hỏi tại sao một người phụ nữ chân ngắn, chỉ khoảng “mét rưỡi” lại có thể tạo ra những thế hệ “chân dài” ở Việt Nam.
“Tôi cũng đồng tình với anh Bình, khi đọc cuốn sách này, đó là tinh thần không sợ hãi”, cô nói. Vì nếu sợ hãi, chắc chắn Việt Nam hôm nay sẽ không có thế hệ người mẫu chuyên nghiệp. Mặc dù đất nước vẫn còn lạc hậu so với các quốc gia có nền thời trang phát triển nhưng chính do tinh thần này, cô và các đồng sự đã tìm cách ghi dấu ấn cho Việt Nam.
“Bản Next top Model Việt hoá được hưởng ứng lớn của thế giới. Họ ngưỡng mộ những gì Việt Nam làm vì nếu những nhà sản xuất nước ngoài chỉ làm một chương trình thì chúng ta đã làm được hơn thế rất nhiều”, cô nói.
“Đôi lúc, bản thân tôi cảm thấy mình đơn độc nhưng vì chữ khát vọng, tôi chiến đấu”, Trang Lê trải lòng. Và khi bắt gặp cuốn sách của Uyên Phương, Trang cho biết mình được truyền thêm cảm hứng.
“Tôi nghĩ không chỉ mình tôi đâu, rất nhiều người phụ nữ khác cũng như vậy”, cô nói thêm và chia sẻ ý định về một cuốn sách về làng thời trang Việt, trong tương lai, sau động lực mang tên Trần Uyên Phương.