Mỗi dịp Tết Trung thu , những con phố rực rỡ sắc màu như Hàng Mã (Hà Nội) hay phố Lồng đèn Lương Nhữ Học (Quận 5, TP.HCM) lại trở thành điểm đến yêu thích của rất nhiều người. Những con phố lung linh không chỉ thu hút dòng người đổ về check-in, vui chơi mà còn để chiêm ngưỡng những chiếc đèn lồng rực rỡ đủ kiểu dáng sắc màu.
Nếu để ý chúng ta sẽ dễ nhận thấy rằng trong những năm gần đây, thị trường lồng đèn trở nên đa dạng và phong phú hơn với nhiều. Không chỉ có những chiếc đèn lồng huyền thoại mà còn xuất hiện vô vàn mẫu mã hiện đại. Nổi bật trong năm nay có thể kể đến các mẫu lồng đèn nhựa giả tre mang hình dáng của các con vật dễ thương như Capybara hay Labubu được bày bán khắp nơi.
Mùa Trung thu năm nay, những chiếc đèn lồng như Capybara, Labubu đang được giới trẻ săn đón. (Ảnh: Viết Thanh)
Với thiết kế đa dạng, lồng đèn Capybara lấy cảm hứng từ loài chuột nước lớn nhất thế giới, với đôi mắt to tròn cùng biểu cảm đáng yêu đã nhanh chóng trở thành món đồ chơi được người trẻ săn đón. Các chủ kinh doanh theo thời thế cũng sáng tạo thêm nhiều mẫu mã độc đáo, theo trend như Capybara ôm tay dành cho các bạn nam, Capybara ôm lồng thổi bong bóng và Capybara ôm lồng kéo hình trái tim ở miệng. Ngoài dạng đèn lồng, còn có các mẫu khác như dạng vòng kết hợp với vải voan, có que cầm hay lồng đèn điện phát nhạc. Mỗi loại đều có đèn LED, đi chơi Trung thu buổi tối chụp hình rất đẹp. Tương tự, lồng đèn Labubu cũng được thiết kế với nhiều mẫu mã và màu sắc độc đáo.
Các mẫu đèn lồng hiện đại với đủ kiểu dáng được bày bán khắp nơi. (Ảnh: Viết Thanh)
Dù lồng đèn hiện đại ngày càng phổ biến, nhưng với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ yêu thích giá trị văn hóa, những chiếc đèn truyền thống vẫn luôn có một vị trí đặc biệt. Những chiếc lồng đèn đủ sắc màu được chế tạo từ các vật dụng gần gũi với đời sống hằng ngày như giấy, vải, lụa, giấy nilon nhiều màu, tre và nến nhưng lại chứa đựng rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Chiếc lồng đèn Trung thu truyền thống có đa dạng hình dáng như đèn cá chép, đèn ông sao, đèn kéo quân,... đã trở thành món quà chất chứa bao hoài niệm tuổi thơ của mỗi người và mang nhiều ý nghĩa khác nhau.
Những chiếc đèn Trung thu truyền thống vẫn luôn khiến nhiều người say mê. (Ảnh Thread: Tuk| Kiet Tran)
Hình ảnh chiếc đèn ông sao bằng tre nứa, phủ giấy bóng kiếng màu sắc rực rỡ, đã trở thành một biểu tượng của Trung thu Việt Nam. Những chiếc đèn này gắn liền với ký ức tuổi thơ, những lần rước đèn đêm rằm dưới ánh trăng và tiếng cười vang vọng khắp làng xóm.
Những chiếc đèn ông sao năm cánh tươi màu gợi nhớ về mùa Trung thu tuổi thơ của bao người. (Ảnh: H. Trang)
Thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản thế nhưng quy trình làm ra một chiếc đèn ông sao truyền thống không hề đơn giản. Người thợ phải cẩn thận từ công đoạn vót tre, dựng khung, rồi cắt dán giấy màu trang trí. Đây là sản phẩm thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, mang theo tinh thần của nghệ nhân và sự chân thành dành cho ngày hội. Hơn nữa, đèn ông sao thường được làm từ những vật liệu tái chế như ống hút nhựa, vỏ bánh, nắp chai, hộp nhựa cũ. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường, mà còn là một cách để giáo dục thế hệ trẻ về ý thức tái chế và sử dụng bền vững.
Có thể thấy dù các mẫu lồng đèn mới, với sự tiện lợi và vẻ ngoài bắt mắt dễ thu hút người chơi trong mùa Trung thu . Tuy nhiên, không ít người vẫn lựa chọn những chiếc đèn ông sao truyền thống, không chỉ ý nghĩa bảo vệ môi trường mà nó còn gợi nhớ về những đêm trăng sáng và niềm vui giản dị của tuổi thơ một thời.