John Rockhold, nhập ngũ năm 1971 và phục vụ tại Việt Nam với vị trí lái ca nô. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông lại tiếp tục làm lính đánh thuê ở châu Phi. Năm 1992, John quay lại Việt Nam để thực hiện một chương trình nhân đạo. Năm 1995, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 quốc gia, John bắt đầu chính thức định cư tại Việt Nam cùng với mẹ mình. Năm 2009, ông kết hôn với một phụ nữ Việt.
Vợ chồng John sống với 2 đứa con trong một căn chung cư sang trọng có 4 phòng ngủ và rộng khoảng 170m vuông có tầm nhìn hướng ra sông Sài Gòn. Căn chung cư này được ông mua với giá 250.000 USD từ năm 2011. Chi phí hàng tháng của gia đình John hiếm khi vượt quá 2.000 USD - ngay cả khi thuê thêm một người giúp việc và một đầu bếp - một con số không tưởng nếu sống ở Mỹ. John cho biết vợ ông khi đến bệnh viện để sinh con, tất cả các chi phí cho bốn ngày nằm viện cũng chỉ khoảng 1.200 USD, thấp hơn rất nhiều so với Mỹ.
John chia sẻ rằng người Việt Nam cực kỳ tốt với ông, và sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục làm các công việc như giúp Việt Nam nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tham gia vào một tổ chức từ thiện cung cấp năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Ngoài John, nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam cũng quay trở lại đây định cư tuổi già. Ví dụ như Michael Gormalley, từng là trung đội phó Lục quân, trở về Việt Nam làm giáo viên tiếng Anh tình nguyện cho các trường trung học ở nông thôn vào năm 2008. Ông coi đó như là một hành động để hàn gắn vết thương chiến tranh. Hiện nay, ông đang dạy tiếng Anh ở một trường đại học.
Những người Mỹ về hưu sang Việt Nam sinh sống có chung một nhận định là người Việt Nam đối đãi với họ rất tốt, ngay cả khi họ kể về thời gian từng tham chiến tại Việt Nam. Hệ thống an sinh phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống nói chung cũng tốt hơn ở Mỹ rất nhiều.
Một luật sư của công ty luật Baker McKenzie, Frederick R. Burke, người có mối quan hệ rất tốt trong cộng đồng người Mỹ tại Việt Nam, cho rằng số lượng cựu chiến binh Mỹ hiện đang sống tại Việt Nam là rất nhiều. "Họ muốn trở lại và hòa giải", ông ấy nói.
"Hồ Chí Minh là thành phố an toàn nhất thế giới, tôi còn chưa thấy trộm cắp vặt bao giờ. Hệ thống y tế được cải thiện đáng kể trong khi chi phí sinh hoạt lại quá rẻ" - John nói với Los Angeles Times.
Trước đây, Philippines, Thái Lan và Malaysia là những điểm đến phổ biến của người Mỹ về hưu, hiện nay là Việt Nam. Campuchia cũng đang cố gắng thu hút những người Mỹ về hưu. GDP bình quân đầu người của quốc gia này là 1.400 USD, và với số tiền đó, một người nước ngoài có thể dễ dàng chi trả tiền thuê nhà hàng tháng, chi phí năng lượng và tiền lương của một người giúp việc.
Sri Lanka - nơi vừa kết thúc cuộc nội chiến tàn khốc cách đây tròn 1 thập kỷ - đang cấp thị thực 2 năm có thể gia hạn cho những người về hưu từ 55 tuổi trở lên nếu họ có thể tự hỗ trợ và có ít nhất 15.000 USD trong tài khoản ngân hàng địa phương. Chi phí sinh hoạt thông thường của người nước ngoài sống ở đây là 1.000 đến 2.000 USD/tháng.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nới lỏng các quy tắc thị thực để thu hút những người Mỹ về hưu như Rockhold. Địa chính trị là một yếu tố. Việt Nam đã nắm bắt được những lợi ích lan tỏa từ bùng nổ kinh tế của Trung Quốc nhưng vẫn giữ được mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Hoa Kỳ. Đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia hiếu khách và thân thiện trong mắt quốc tế.