Loship mới đây thông báo đã huy động được 12 triệu USD (xấp xỉ 275 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn mới nhất – Pre Series C. Các nhà đầu tư chính gồm BAce Capital (được hậu thuẫn bởi Ant Financial) và đơn vị đầu tư của Sun Hung Kai & Co.
Loship cho biết sử dụng nguồn vốn mới nhằm tăng cường sự hiện diện của mình tại các thị trường trọng điểm và mở rộng sang các khu vực mới. Công ty cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư vào dịch vụ giao hàng B2B cho các công ty thực phẩm đồ uống nhỏ, cũng như các cửa hàng mẹ và bé.
Sau vòng gọi vốn này, người sáng lập BAce Capital – Benny Chen sẽ tham gia hội đồng quản trị Loship. Đây cũng là khoản đầu tư đầu tiên của BAce Capital và Sun Hung Kai & Co tại Việt Nam.
Công ty logistics Việt Nam hiện có 70.000 tài xế và 200.000 nhà bán trên nền tảng của mình, phục vụ 2 triệu khách hàng trên khắp Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Biên Hoà (Đồng Nai)…
Công ty cho biết đang tiếp tục đàm phán cho vòng gọi vốn C, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Hồi đầu năm, Loship cũng đã huy động được tiền từ nhóm nhà đầu tư do MetaPlanet Holdings của người đồng sáng lập Skype (Jaan Tallinn) dẫn đầu.
Loship được thành lập năm 2012 với tên gọi ban đầu là Lozi, một ứng dụng review đồ ăn và cho phép mua bán sản phẩm ngang hàng. Sau đó 5 năm, Loship được thành lập, tập trung vào thương mại điện tử và giao hàng trong vòng một giờ.
Chia sẻ với Jumstart, người sáng lập & CEO Nguyễn Thành Trung cho rằng Loship đang đứng trước cơ hội lớn của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng người dùng số nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2020 trong hoàn cảnh đại dịch. Thị trường được dự báo có quy mô 52 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và nền kinh tế internet của Việt Nam sẽ sớm vượt Singapore, Philippines và Malaysia vào 2025, tiến tới cạnh tranh với Thái Lan cho vị trí nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.
Ông Trung cho biết, điều quan trọng đối với Loship là làm sao để trở thành số một trong tâm trí khách hàng về giao hàng "ngay lập tức".
Ông Nguyễn Thành Trung - Đồng sáng lập & CEO Loship
Tuy nhiên, công ty cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường trong nước, các công ty thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo, Tiki. Mặc dù Loship đã có thể tìm được chỗ đứng trong phân khúc B2B, nhưng ở B2C, công ty này sẽ phải đối đầu với một số tên tuổi lớn nhất Đông Nam Á.
CEO Loship kỳ vọng việc thâm nhập vào các thành phố cấp 2 sẽ đem về lợi thế cho công ty. Công ty logistics cũng có tham vọng trở thành một trong những kỳ lân tiếp theo của Việt Nam (giá trị hơn 1 tỷ USD).