Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (Lotte Vietnam Shopping hay còn gọi là Lotte Mart) là công ty con của Tập đoàn Lotte Hàn Quốc với hoạt động chính là điều hành 13 trung tâm thương mại Lotte tại Việt Nam.
Lotte Mart đặt chân vào Việt Nam từ cuối năm 2006, hoạt động dưới hình thức liên doanh với một đối tác Việt Nam để thành lập Công ty TNHH Trung tâm Lotte Shopping Việt Nam, theo tỷ lệ góp vốn 80:20, trong đó phía tập đoàn Hàn Quốc nắm 80%.
Trong giai đoạn đầu phát triển, Lotte Mart chỉ đạt doanh thu khoảng 30 tỷ đồng cho 2 năm 2007 và 2008.
Từ năm 2009, tập đoàn này bắt đầu ghi nhận doanh thu hơn 600 tỷ đồng và duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong suốt các năm sau đó. Đặc biệt, giai đoạn 2013-2016, doanh thu Lotte Mart tăng cả nghìn tỷ mỗi năm, vượt mốc 5.000 tỷ đồng trong năm 2016, là năm thứ 10 tập đoàn này hiện diện ở Việt Nam.
Theo số liệu mới được công bố từ Lotte Shopping Hàn Quốc, doanh thu năm 2017 vừa qua của Lotte Mart tiếp tục tăng trưởng 12%, đạt hơn 5.700 tỷ đồng và đánh dấu 11 năm tăng trưởng liên tiếp.
Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng trưởng doanh thu, cũng trong suốt 11 năm vừa qua, Lotte Mart đều báo lỗ. Giai đoạn 2009-2011, mức lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy số lỗ giảm trong 2 năm 2012-2013 nhưng 4 năm từ 2014 đến nay, Lotte lại báo lỗ tiếp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Mức lỗ năm 2017 vừa qua khoảng 312 tỷ đồng.
Tổng cộng, sau 11 năm kinh doanh ở Việt Nam, Lotte Mart lỗ khoảng 117 tỷ won, tương đương khoảng 2.300 tỷ đồng.
Việc liên tục thua lỗ đã khiến quy mô vốn của Lotte Mart teo tóp. Cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của công ty này chỉ còn khoảng 500 tỷ đồng và nợ phải trả là hơn 8.900 tỷ đồng.
Vì vậy, sau khi báo lỗ 312 tỷ đồng trong năm 2017, vốn chủ sở hữu của Lotte Mart hiện chỉ còn dưới 200 tỷ đồng và nợ phải trả gần 8.800 tỷ đồng, cao gấp 45 lần. Như vậy, nếu cứ duy trì đà thua lỗ trong năm 2018, Lotte Mart hoàn toàn có thể sẽ âm vốn trong thời gian tới.
Nguồn: Lotte Shopping
Bức tranh tăng trưởng "đẹp như mơ" nhưng lại thua lỗ triền miên của Lotte khiến nhiều người liên tưởng tới các doanh nghiệp FDI khác, như CocaCola, PepsiCo, KeangnamVina hay K+... Chẳng hạn như CocaCola và PepsiCo trong suốt hơn 20 năm kinh doanh tại Việt Nam đã liên tục thua lỗ, lỗ lũy kế cả nghìn tỷ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp này cũng vẫn liên tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, đánh bật các doanh nghiệp nội.
Điểm chung của các doanh nghiệp FDI này là thâm nhập thị trường Việt Nam bằng cách bắt tay với các doanh nghiệp trong nước để thành lập các công ty liên doanh. Tuy nhiên, các liên doanh này Sau khi liên doanh liên tục thua lỗ, các đối tác Việt Nam sẽ không thể chịu đựng áp lực tài chính và thường sẽ buộc phải thoái vốn. VTV hồi giữa năm 2016 cũng đã tính đến chuyện tháo chạy khỏi K+ khi liên doanh này lỗ lũy kế 2.000 tỷ.
Với trường hợp của Lotte, sau khi lập liên doanh ở Việt Nam với sở hữu 80%, đến năm 2011, công ty mẹ Lotte đã nâng sở hữu tại Lotte Mart Việt Nam lên 94,55% và sang năm 2012 chính thức sở hữu 100%.
Năm 2016, Lotte Mart đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần và tỷ lệ sở hữu của tập đoàn Lotte tại đây còn 99,99%.