LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Trần Văn Cương ở Hải Dương gửi tới cuộc thi viết về Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn đến ước mong do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
-------
Thời gian vừa qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, độc giả thấy rằng rất nhiều vụ lừa đảo liên quan đến tiền bạc diễn ra rất phức tạp.
Đó có thể là hình thức làm quen thông qua mạng xã hội facebook, email, messenger.., hứa hẹn tặng quà có giá trị lớn như giày, dép, tiền Dollar...Các bị hại cả tin đã chuyển tiền (khoản tiền này thường được các đối tượng gọi là chi phí vận chuyển hàng/cước phí thông quan) cho các đối tượng lừa đảo để nhận các vật phẩm là quà tặng này mà không hay biết mình đang bị lừa đảo.
Một hình thức lừa đảo nữa cũng khá phổ biến là qua email tại các doanh nghiệp có mối quan hệ làm ăn với các đối tác nước ngoài, bằng các hình thức xâm nhập trái phép, các hacker đã lấy cắp thông tin email, thông tin đơn hàng và trực tiếp liên hệ với đối tác mà bị hại không hề hay biết của tài khoản đã bị hack rồi yêu cầu ngân hàng chuyển tiền, việc chuyển tiền này thường là thanh toán hay tạm ứng tiền hàng.
Việc chuyển tiền qua tài khoản, thanh toán hàng hóa qua giao thương với đối tác nước ngoài thường thông qua các hệ thống ngân hàng, khi vụ việc xảy ra như trên cũng phần nào làm giảm uy tín của ngân hàng bởi đã không có phương pháp hữu hiệu để cảnh báo các giao dịch đáng ngờ cho khách hàng nhằm giảm thiểu hoặc hạn chế rủi ro cho họ.
Dưới góc nhìn của tác giả thấy rằng cả khách hàng và ngân hàng cần phải có những động thái quyết liệt để cùng nhau ngăn chặn nạn lừa đảo nói trên.
XEM THÊM TẤT CẢ CÁC BÀI DỰ THI của cuộc thi viết "Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn tới ước mong" tại đây
Giải pháp cho khách hàng:
Đối tượng bị hại mà kẻ lừa đảo thường nhằm tới đầu tiên, đó chính là những người lớn tuổi, bậc trung niên trở lên hay phụ nữ, những người đã về hưu...,thường là những người nhẹ dạ. Sau khi đã kết nối làm quen thông qua mạng xã hội, nhắn tin qua mesenger/facebook/email/điện thoại, các đối tượng thường đưa ra những hứa hẹn hấp dẫn nhằm lôi kéo câu chuyện theo kịch bản của kẻ lừa đảo hoặc đóng giả là người thân/người nhà yêu cầu chuyển tiền nhằm hỗ trợ một công việc gì đó hay xưng danh là cán bộ của Bộ công an/Văn phòng Chính phủ... đang điều tra xác minh tội phạm mà bị hại đang là đối tượng của việc điều tra/xác minh này mà không biết mình đang bị lừa.
Với tình trạng như vậy, bị hại hay người nhà bị hại nên thường xuyên kiểm tra công tác bảo mật các user đăng nhập các trang mạng xã hội, email, thông tin cá nhân, mật khẩu hay ứng dụng Ngân hàng để tránh bị hacker lấy cắp thông tin để lừa đảo người thân hay chính bị hại.
Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lạ hay tin nhắn của người thân/bạn bè có dấu hiệu nghi vấn cần bình tĩnh và không làm theo yêu cầu hay cung cấp các thông tin cá nhân/tài khoản/mật khẩu cho đối tượng. Tiếp theo, cần thông tin ngay cho bên thứ 3 tham khảo thông tin hoặc cơ quan công an nơi gần nhất nếu thấy nghi ngờ có dấu hiệu tội phạm. Khi đến ngân hàng chuyển tiền/rút tiền theo yêu cầu, người bị hại nên tham khảo thông tin tư vấn của cán bộ ngân hàng để có những lời khuyên hữu ích.
Đối với bị hại là các doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với các đối tác nước ngoài, cần nâng cấp hệ thống bảo mật thông tin của đơn vị, cài đặt đầy đủ phần mềm diệt virut tránh nhiễm mã độc, đối với những giao dịch lớn cần trực tiếp thực hiện tại hệ thống các ngân hàng hay phải có xác thực qua Tocken, Msign hay SMS. Với các đối tác cần kiểm tra kỹ các thông tin email, cẩn trọng với các email (mà không thông qua các hình thức yêu cầu thứ hai) để yêu cầu chuyển tiền nhằm tránh rủi ro cho đối tác của mình.
Giải pháp cho Ngân hàng:
Thứ nhất: Với các khách hàng mở tài khoản cần kiểm tra kỹ thông tin của khách hàng như CMND/căn cước công dân, thông tin về địa chỉ, số điện thoại nhằm hạn chế việc kẻ xấu lấy các giấy tờ giả mở tài khoản để thực hiện lừa đảo vì khi đã thực hiện lừa đảo, việc xác minh thông tin của chủ tài khoản này là rất khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc điều tra của cơ quan công an, khắc phục hậu quả cho bị hại hay ảnh hưởng đến uy tín của Ngân hàng nơi có tài khoản này.
Thứ hai: Các ngân hàng nên tăng cường nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tự động cảnh báo các giao dịch đáng ngờ, thông tin và phản hồi cho khách hàng ngay khi nhận được những thông tin cảnh báo. Với các yêu cầu giao dịch không đầy đủ của khách hàng, cần thông tin lại hoặc tư vấn cho khách hàng những biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế rủi ro.
Thứ ba: Khi khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng như rút tiền hay gửi tiền mà có biểu hiện không bình thường như lo âu, hốt hoảng, liên tục liên lạc qua điện thoại thì cán bộ ngân hàng cần kịp thời hỏi han, chăm sóc và tìm hiểu các yêu cầu của khách hàng. khi cảm thấy có giao dịch đáng ngờ cần có lời khuyên hữu ích tới khách hàng hay kiểm tra lại các thông tin cần thiết như chủ tài khoản, nội dung chuyển/rút tiền...trong trường hợp cần thiết có thể trực tiếp liên lạc cho đối tượng để biết thực hư câu chuyện để tư vấn cho khách hàng.
Mặc dù các phương thức lừa đảo hết sức tinh vi và chuyên nghiệp, nhưng nếu có được sự tư vấn cặn kẽ và can thiệp kịp thời của ngân hàng thì sẽ tránh được rất nhiều rủi ro cho khách hàng. Tuy nhiên điều quan trọng nhất chính là khách hàng phải biểu cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của mình trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi đang xuất hiện ngày một nhiều hiện nay.