Sau khi nới lỏng giãn cách, nhu cầu tìm kiếm việc làm tại TP.HCM gia tăng. Tội phạm lừa đảo lợi dụng thực tế này triển khai chiêu thức giả tin nhắn của các hãng thương mại điện tử, tuyển dụng “việc nhẹ lương cao, còn được nhận quà”.
Sự tinh vi của thủ đoạn mới là số điện thoại để lại nhanh chóng biến mất sau khi lừa được tiền của nạn nhân.
“Cần tuyển số lượng lớn nhân viên chuyên đặt hàng. Mỗi ngày kiếm được 800 nghìn đồng qua điện thoại và quyết toán trong ngày…” Lời tuyển dụng rất hấp dẫn được gửi dưới chức vụ Giám đốc Marketing các công ty thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki…Người nhận tin phải kết bạn Zalo qua số điện thoại để lại. Sau đó, nhiều thông tin cá nhân, đặc biệt liên quan tài khoản thanh toán, phải cung cấp để nhận trả lương. Nhưng dĩ nhiên, cung cấp thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử chính là trực tiếp mở cửa cho tội phạm chiếm đoạt tiền.
Một điểm tinh vi trong thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng là xóa dấu vết nhanh chóng. Đối tượng dùng các HUB nước ngoài để gửi SMS, sau đó yêu cầu liên lạc qua Zalo số điện thoại khác. Chỉ cần người xin việc tỏ ra nghi ngờ, các số điện thoại mạo danh tuyển dụng sẽ tự khóa và biến mất.
Thủ đoạn lừa đảo qua tuyển dụng đang rộ lên cùng với hình thức tặng thưởng mạo danh ngân hàng hoặc một số công ty kinh doanh mặt hàng giá trị lớn như xe hơi, trang sức, đá quý. Bởi sau khi nới lỏng giãn cách, số lượng người khó khăn cần tìm việc tăng cao; dẫn đến tâm lý muốn được nhận thưởng và có công việc nhanh chóng.
Dù đã được phản ánh thời gian qua, nhưng các tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo này vẫn tiếp tục gửi đến thuê bao người dân. Song song đó còn có nhiều loại tin nhắn mời chơi game mang tính chất bài bạc hoặc cá độ với hứa hẹn tỷ lệ thắng cuộc.
Hiện nay, TPHCM dần phục hồi kinh tế, thích ứng trạng thái bình thường mới là giai đoạn nhiều hình thức lừa đảo nảy sinh. Vì vậy, cần sự tỉnh táo của mỗi người, không cung cấp mã số tài khoản ngân hàng hay ví điện tử khi chưa gọi xác minh trước với cơ quan, tổ chức.
(Theo ANTV)