Lừa đảo tiền điện tử bùng nổ ở Ấn Độ

30/05/2021 12:26
Tình trạng lừa đảo liên quan tiền điện tử đang có xu hướng gia tăng ở Ấn Độ. Những kẻ xấu sử dụng nhiều thủ đoạn như mô hình Ponzi, cam kết lãi suất cao hoặc phát hành tiền điện tử "giả".

Khi ngày càng nhiều người dân Ấn Độ, rất đông trong số họ trẻ tuổi, đầu tư vào tiền điện tử, lượng báo cáo lừa đảo cũng tăng theo. Từ những sự kiện “giveaway" (tặng miễn phí) cho tới các phiên chào bán tiền điện tử, những kẻ lừa đảo đang tìm đủ mọi thủ đoạn để lợi dụng sự cả tin của người “chân ướt, chân ráo” bước vào thị trường tiền điện tử.

Không có số liệu chính thức nào được thu thập trong hệ sinh thái tiền điện tử tại Ấn Độ, kể cả những thống kê liên quan tới các khoản đầu tư hay vụ lừa đảo nhưng có một sự thật rằng chúng vẫn tồn tại trong cuộc sống. Hãy hỏi những người xung quanh, bạn sẽ biết sự quan tâm tới tiền điện tử không hề nhỏ. Bên cạnh đó cũng có không ít những lời kêu ca từ các nạn nhân.

Thanh tra Sharath, thuộc lực lượng an ninh mạng, thành phố Bengaluru, chia sẻ với Bloomberg Quint rằng họ nhận được ngày càng nhiều khiếu nại về các vụ lừa đảo đầu tư có liên quan tới tiền điện tử. Phần lớn nạn nhân còn khá trẻ, dưới 45 tuổi.

"Hầu hết các vụ việc lừa đảo tiền điện tử chúng tôi điều tra trong những năm qua là một cá nhân nào đó đứng lên kêu gọi góp vốn để đầu tư vào tiền điện tử, hứa hẹn trả lãi suất hấp dẫn rồi sau đó bỏ trốn”, ông cho biết. “Chúng tôi cũng tiếp nhận những vụ việc mà nhiều người đầu tư theo các chương trình đầu tư nhưng lại không hề hay biết tiền của họ đã bị chuyển hướng sang đầu tư tiền điện tử”.

Lừa đảo tiền điện tử bùng nổ ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Tình trạng lừa đảo liên quan tiền điện tử đang có xu hướng gia tăng ở Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg Quint.


Thực trạng này hoàn toàn không quá mới. Ngay cả tại nền kinh tế số một thế giới, số vụ lừa đảo cũng tăng nhanh chóng. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ thống kê các nhà đầu tư tại quốc gia này đã mất trên 80 triệu USD trong các vụ lừa đảo liên quan tới tiền điện tử, ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 10/2020 tới tháng 5, tăng hơn 10 lần trong vòng một năm.

Vishal Gupta, nhà đồng sáng lập của Bitcoin Alliance India, tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp các khóa đào tạo giao dịch tiền điện tử, cho biết những nhà đầu tư mới thường thiếu kiến thức về nguyên lý hoạt động của các khoản đầu tư, và thường rơi vào tầm ngắm của kẻ lừa đảo.

"Khi tiền điện tử ngày một phổ biến tại Ấn Độ, nhiều nhà đầu tư mới, do ham lợi nhuận cao, ồ ạt tham gia thị trường mà thiếu đi những kiến thức căn bản. Điều đó biến họ trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ lừa đảo”, ông cho biết. “Và khi càng có nhiều người bắt đầu đầu tư vào tiền điện tử sau giai đoạn tăng giá mạnh trong năm 2020, số lượng và quy mô các vụ lừa đảo cũng tăng theo”.

Bloomberg Quint phỏng vấn nhiều nạn nhân của các vụ lừa đảo. Mỗi người đều có câu chuyên riêng.

Đầu tư Ponzi

Vishal, chuyên viên kinh doanh 29 tuổi, đầu tư vào tiền điện tử từ tháng 12 năm ngoái. Anh bị cuốn hút bởi mức lợi nhuận hấp dẫn mà thị trường tiền điện tử mang lại. Anh thừa nhận đã đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm để mua 2 đồng tiền điện tử phố biến nhất là Bitcoin và Ethereum.

Trong tháng 1, anh được thêm vào một nhóm có tên Metamask trên Telegram, nơi nhiều thành viên cho biết số lượng tiền điện tử mà họ đang nắm giữ tăng lên gấp đôi sau một sự kiện “giveaway".

Vishal cho biết anh đã mất toàn bộ lượng tiền điện tử đang sở hữu, gồm 0,25 Bitcoin và 2 Ethereum, sau khi tham gia mô hình đầu tư Ponzi này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh mất trắng toàn bộ số tiền đã bỏ ra để mua tiền điện tử. “Mỗi khi tôi liên hệ với trung tâm chăm sóc khách hàng của họ, họ đều yêu cầu tôi gửi thêm Bitcoin để thực hiện giao dịch”.

Khi điều tra thêm, Bloomberg Quint nhận thấy quản trị viên của nhóm Metamask, biệt danh đơn giản là “quản trị viên metamask”, đã được gắn nhãn “lừa đảo” bởi người dùng Telegram.

Khi liên lạc, người này nói Metamask “không phải là nhóm lừa đảo”, được thành lập cùng với nhiều sàn trao đổi tiền điện tử khác. “Họ chỉ đang cố gắng tạo dựng độ phủ cho thị trường tiền điện tử, giúp người trẻ học cách đầu tư và thu lời trong giai đoạn khó khăn hiện tại”, quản trị viên của nhóm cho biết, từ chối tiết lộ danh tính.

Lừa đảo tiền điện tử bùng nổ ở Ấn Độ - Ảnh 2.

Vishal mất trắng tiền tiết kiệm vì tham gia nhóm Metamask. Ảnh: Bloomberg Quint.


Tuy nhiên, Metamask nhận về không ít cáo buộc lừa đảo từ nhiều người do họ không nhận lại về những quyền lợi được hứa hẹn. Khi được hỏi, quản trị viên Metamask chia sẻ "đó không phải là một trang lừa đảo, bạn có thể kiểm tra tính chứng thực từ các bên liên quan. Rất nhiều người hưởng lợi từ sự kiện 'giveaway'. Người tham gia chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng. Phần thưởng đó sẽ mất từ 4 đến 8 phút để được chuyển tới tài khoản, đối với Bitcoin, sẽ mất khoảng từ 8 tới 10 phút”.

Sự việc với Vishal là một ví dụ của vấn nạn “tấn công phi kỹ thuật”, qua đó, những kẻ lừa đảo sẽ lừa lấy thông tin cá nhân quan trọng nhằm mục đích đánh cắp tài sản họ sở hữu.

Những vụ tấn công như vậy, theo Rajshekhar Rajaharia, chuyên gia an ninh mạng độc lập, trở nên khá phổ biến trong khoảng thời gian gần đây trong không gian tiền điện tử khi các nhà đầu tư mới đổ xô gia nhập thị trường.

“Rất nhiều lần chúng tôi thấy các nhà đầu tư non nớt tiết lộ mật khẩu ví điện tử cá nhân, hoặc những thông tin quan trọng với những người hứa hẹn sẽ mang lại cho họ tỷ suất lợi nhuận cao, mà không hề hay biết về những hệ quả của hành động đó", ông chia sẻ.

Khi Bloomberg Quint tiếp tục thăm dò tại một loạt các nhóm và diễn đàn tiền điện tử khác trên nhiều nền tảng, những cáo buộc lửa đảo không khó để tìm thấy.

Phát hành tiền giả

Navjot Singh, 40 tuổi, đến từ New Delhi, đầu tư vào tiền điện tử từ tháng 1 nhằm gia tăng thu nhập trong bối cảnh việc kinh doanh nhà hàng không thuận lợi do đại dịch. Hồi đầu tháng, anh được thêm vào một nhóm trên Telegram. Nhóm này, theo anh chia sẻ, có khoảng 40.000 người tham gia. Nhóm sở hữu một tài khoản Twitter với 32.000 người theo dõi. Anh hoàn toàn bị thuyết phục về sự uy tín của nhóm này khi nhìn vào số lượng thành viên cũng như lượt theo dõi trên mạng xã hội.

Nhóm này giới thiệu một chương trình đầu tư có tên MooMooSwap tới các thành viên có sở hữu tiền điện tử. Họ cung cấp một loại token có tên $MOMO để đổi lấy một lượng nhất định tiền Binance hay còn gọi là BNB. Những giao dịch như vậy thường được gọi với thuật ngữ “airdrop” trong lĩnh vực đầu tư tiền điện tử.

Website nhóm gọi đó là một giao thức tài chính phi tập trung hoạt động trên Binance Smart Chain (BSC) - một mạng lưới blockchain được xây dựng nhằm vận hành những ứng dụng thông minh theo hợp đồng. Họ cũng khẳng định rằng người dùng có thể chuyển đổi token phát hành trên BSC (ví dụ như BNB) và kiếm tiền thưởng.

Nhóm này cho biết $MOMO là “đồng tiền bản địa” của họ.

Singh mua lượng $MOMO tương đương với 125.000 rupee (tương đương hơn 1.700 USD) để đổi lấy BNB sau này. Nhưng tới thời điểm $MOMO chính thức được giao dịch, anh mới nhận ra rằng đồng tiền đó hoàn toàn không có giá trị. Sau đó, nhóm Telegram và mạng xã hội liên quan dừng hoạt động.

MooMooSwap cũng biến mất. Trên website của nhóm, tên trên Telegram được đổi thành ELENairdrop Channel.

Singh khẳng định rằng nhóm bắt đầu hoạt động dưới cái tên mới Tosa INU. “Tất cả nhóm và tài khoản mạng xã hội của họ đều được thay đổi chỉ sau một đêm”.

Để chắc chắn, Tosa INU cũng lập một website và kênh Telegram riêng biệt. Khi được liên hệ, quản trị viên của nhóm không phản hồi lại câu hỏi của Bloomberg Quint về liên hệ giữa nhóm và MooMooSwap.

“Tôi cố gắng liên lạc với các quản trị nhóm nhưng không ai trả lời. Website của họ cũng không giúp tôi được gì nhiều. Tôi không giao dịch trên đó nữa vì chúng hoàn toàn vô giá trị. Mọi người có thể cho rằng tôi tham lam, nhưng tôi đầu tư vào tiền điện tử với mong muốn mình có thể thu được mức lợi nhuận tốt, vì có rất nhiều người cũng đã đầu tư vào lĩnh lực này”, Singh cho biết.

Lừa đảo tiền điện tử bùng nổ ở Ấn Độ - Ảnh 3.

Tình trạng lừa đảo liên quan tiền điện tử đang có xu hướng gia tăng ở Ấn Độ. Ảnh: Shutterstock.

Trong khi những kẻ lừa đảo luôn tìm cách để có thể “lách luật” thực hiện hành vi của mình trong mọi sản phẩm tiền tài chính, đối với tiền điện tử, sự thiếu hụt đi công tác giám sát quản lý lại khiến cho tình trạng này diễn biến trầm trọng hơn, theo Gupta tới từ Bitcoin Alliance India.

“Trong lĩnh vực tiền điện tử, những đồng tiền như Dogecoin và Shiba Inu thường giúp các nhà đầu tư thu lại được mức lợi nhuận cao. Và việc không có bộ luật nào kiểm soát hoạt động phát hành các đồng tiền mới, thêm vào đó là sự vắng mặt của các cơ quan quản lý, sẽ rất khó để có thể nhận ra đâu là các tổ chức có uy tín hoặc lừa đảo. Những kẻ xấu lợi dụng lỗ hổng đó để có thể trục lợi, khi trong thời gian gần đây, các đồng tiền như Dogecoin hay Shiba ngày càng trở nên phổ biến”, Gupta cho biết.

Aditya Singh là một nhà giao dịch tiền điện tử toàn thời gian, và có ảnh hưởng trên mạng xã hội, quản lý một kênh Youtube, Twitter và Telegram dưới tên Crypto India trong vòng 4 năm qua.

Hai tháng trước, anh nhìn thấy rất nhiều tải khoản Twitter cũng như nhóm Telegram giả mạo, sử dụng tên tuổi các kênh truyền thông của anh để dụ khách hàng tham gia những chương trình đầu tư tiền điện tử lừa đảo.

"Tôi đã báo cáo những group đó với Twitter và thông báo tới tất cả các thành viên trên kênh Telegram của tôi rằng họ hãy nâng cao cảnh giác để tránh bị lừa. Nhưng hiện tại, một số nhóm giả mạo vẫn đang hoạt động và tôi không thể nào biết được họ âm mưu những gì”.

Một số người theo dõi tài khoản mạng xã hội của Singh gửi tin nhắn cho anh rằng họ được liên hệ bởi những nhóm giả mạo đó. Những tin nhắn đó đang được Bloomberg Quint xem xét.

Một mánh khóe tương tự, nhưng với quy mô lớn hơn, bùng nổ trên quy mô toàn cầu khi mà nhiều nhà đầu tư bị lừa gạt bởi những kẻ mạo danh Elon Musk. Trong những vụ việc đó, nhà đầu tư được hứa hẹn rằng một người nổi tiếng sẽ giúp tiền của họ “sinh sôi nảy nở” sau đó hoàn trả lại nếu như họ chuyển tiền vào ví điện tử của kẻ lừa đảo.

Sự gia tăng số lượng các vụ lừa đảo được ghi nhận trong suốt năm 2020. Một xu hướng tương tự cũng được ghi nhận trong giai đoạn 2017-2019. Theo báo cáo của Cointelegraph, các nhà đầu tư Ấn Độ đã mất khoảng 500 triệu USD bởi các vụ việc được thực hiện bởi những kẻ lừa đảo cả trong và bên ngoài lãnh thổ quốc gia này.

Nikolaos Chrysaidos, trưởng bộ phận quản lý rủi ro dịch vụ và nền tảng thông minh tại công ty an ninh mạng Avast đưa ra một vài gợi ý cho các nhà đầu tư tiền điện tử nhằm có thể tự bảo vệ bản thân.

“Các nhà đầu tư nên tải ứng dụng từ những nhà phát triển có uy tín, và đọc đánh giá ứng dụng đó để phát hiện ra đó có phải ứng dụng giả mạo hay không. Điều đó cũng hoàn toàn đúng đối với các ứng dụng giao dịch tiền điện tử, cho dù số lượng các đánh giá có thể sẽ ít hơn”, ông cho biết.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tiền điện tử nên lựa chọn hình thức lưu trữ tài sản hợp lý. “Phương pháp được khuyến khích ở đây để bảo vệ các đồng tiền điện tử của bạn khỏi các vụ tấn công là sở hữu một ví cứng trên một hệ thống riêng và chuyên biệt, không được sử dụng cho bất cứ một mục đích nào khác. Đây cũng là phương pháp mà chúng ta nên áp dụng với hệ thống ngân hàng điện tử truyền thống”.

Việc tăng cường nhận thức dành cho các nhà đầu tư cũng là phương pháp hữu ích, theo Nischal Shetty, nhà sáng lập kiêm CEO của sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất Ấn Độ WazirX.

“Chúng tôi có một vài sáng kiến nhằm nâng cao kiến thức về tiền điện tử cho các nhà đầu tư mới. Ví dụ, chúng tôi đã khởi xướng một chương trình bổ trợ kiến thức căn bản có tên 'chiến binh WazirX', nhằm cung cấp kiến thức về tiền điện tử”.

“Chúng tôi cũng đang nỗ lực xây dựng một chương trình chuyên biệt dành cho những người dùng hiện hữu, và những người sẽ đăng ký giao dịch trên nền tảng của chúng tôi để họ có thể học cách bảo vệ tài sản của mình”, theo Shetty.

Nhu cầu minh bạch hóa về tính hợp pháp của tiền điện tử tại một quốc gia mà mọi cáo buộc lừa đảo liên quan tới tiền điện tử hiện đang được xử lý theo bộ luật hình sự Ấn Độ là rất cần thiết, theo Sharath tới từ bộ phân an ninh mạng thành phố Bengaluru.

Các vụ lừa đảo liên quan tới tiền điện tử có một vài điểm khác so với những vụ việc lừa đảo trên không gian mạng vì bản chất của tài sản có liên quan và khả năng các vụ lừa đảo được thực hiện với mục đích rửa tiền. Do đó, sự minh bạch về tính hợp pháp của tiền điện tử cần được thực hiện và nên có một bộ luật riêng biệt để quy định hành vi trong lĩnh vực này, điều mà chúng tôi hy vọng sẽ được bao gồm trong bộ luật tiền điện tử sắp được đưa ra đệ trình trước quốc hội”, ông cho biết.

Tin mới

Trà sữa được đồn “đẹp nhất Hà Nội” khiến khách đợi gần 2 tiếng nhưng chất lượng liệu có xứng đáng?
2 giờ trước
Liệu Bông Biêng nổi bật với trà sữa hương hoa này có đủ đô để chinh chiến cùng các thương hiệu đồ uống theo đuổi dòng trà đậm vị?
Giá cà phê lại tăng dựng đứng
2 giờ trước
Giá cà phê Robusta trên sàn London đang lên sát mốc 5.000 USD/tấn khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch nhưng nguồn cung vẫn cầm chừng
"Gà đẻ trứng vàng" của VinFast đến tay khách Indonesia, hãng xe Việt chạy nước rút bàn giao 80.000 chiếc
3 giờ trước
Mở rộng và thu hút tại nhiều thị trường cùng với kỷ lục về doanh số trong các tháng cho thấy VinFast đang bứt tốc cho mục tiêu 80.000 xe bàn giao cho khách hàng đến cuối năm nay.
Vì sao các chuỗi cà phê - trà sữa, thời trang đóng cửa lại khiến thị trường “dậy sóng”?
3 giờ trước
Không chỉ tưng bừng khai trương, nhiều thương hiệu gần đây rời thị trường cũng “ồn ào” không kém
Linh vật Rắn Minh Long: Mở đầu vận trình thịnh vượng
4 giờ trước
Đều đặn mỗi dịp Xuân về, giới mộ điệu lại háo hức chờ đón từng tượng linh vật sứ từ Minh Long, như một phần không thể thiếu trong không khí Tết. Thương hiệu này không chỉ thành công trong việc chế tác dáng hình linh vật độc đáo, mà còn khéo léo truyền tải các lời chúc ý nghĩa đầu năm qua từng câu chuyện ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục

Xe Trung Quốc ở Việt Nam lúc này: Dè dặt xe điện, chuyển hướng bán hybrid, xe xăng
6 giờ trước
Trước hàng loạt thách thức ở thị trường Việt Nam, xe điện Trung Quốc dường như đã không bùng nổ như kỳ vọng, thậm chí có xu hướng "dè dặt" hơn trong việc ra mắt. Thay vào đó, các hãng lại tỏ ra ưu ái xe đốt trong hơn khi đã và sắp ra những mẫu mới sử dụng động cơ xăng hoặc hybrid.
Giá USD hôm nay 23/11: Tăng không ngừng, tỷ giá "chợ đen" đảo chiều giảm
6 giờ trước
Giá USD hôm nay 23/11 trên thế giới tăng không ngừng, có thời điểm chạm mức 108. Trong nước, giá USD ngân hàng bán ra cộng thêm 5 đồng, trong khi tỷ giá "chợ đen" diễn biến lạ.
Bán 60.000 iPhone thu 2.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng, điều gì giúp TopZone 'on top' thị trường?
9 giờ trước
TopZone tiếp tục khẳng định vị thế nhà bán lẻ ủy quyền cao cấp nhất của Apple với doanh thu chuỗi chương trình mở bán iPhone 16 nhanh chóng đạt 2.000 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả của chiến lược chú trọng vào trải nghiệm khách hàng của thương hiệu.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
12 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.