Nhiều người mua lan đột biến chỉ dựa vào giá thành mà chủ cây đưa ra để xác định xem đó có phải là loại quý hiếm hay không.
Viết giấy cam kết vẫn bị lừa
Ngày 9/9/2020, cơ quan chức năng huyện Di Linh - Lâm Đồng đang tạm giữ đối tượng Bùi Văn Sỹ (34 tuổi, ngụ xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) để phục vụ công tác điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức bán hoa lan đột biến giả.
Trong các ngày 15/8 và 28/8, ông Đỗ Văn Thưởng (ngụ huyện Di Linh) đã mua của Sỹ 4 cây lan rừng Hồng Yên Thủy và 1 chậu lan Hồng Mỹ Nhân với giá 440 triệu đồng bằng hình thức giao dịch trực tiếp.
Để tạo tin tưởng, Bùi Văn Sỹ đã viết giấy cam kết về cây và chất lượng mặt hoa của những cây, chậu lan nói trên.
Ngày 30/8 vừa qua, Sỹ tiếp tục đem 2 chậu lan Hồng Minh Châu đến huyện Di Linh bán cho ông Thưởng giá 1,47 tỷ đồng. Khi phát hiện hoa lan mà Sỹ bán là giả, không đúng như thỏa thuận trước đó, ông Thưởng đã trình báo Công an huyện Di Linh.
Tại cơ quan công an, sau một hồi quanh co tìm cách chối tội, nhưng với những bằng chứng mà cơ quan công an có được buộc Sỹ phải thừa nhận số hoa lan đã bán cho ông Thưởng đều là hoa lan thông thường, không phải đột biến như rao bán và thỏa thuận trước đó với người mua.
Một chậu hoa lan là tang vật vụ lừa đảo của Bùi Văn Sỹ đang được Công an huyện Di Linh tạm giữ. |
Theo kết quả điều tra bước đầu từ lời khai của Sỹ, đối tượng đã đánh vào tâm lý của người mua hàng khi quan niệm "lan đột biến phải có giá trị cao" nên chủ đích đẩy giá những giò lan của mình lên giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, kèm theo những cam kết là giấy tờ viết tay để tạo sự tin tưởng cho người mua.
"Sỹ khai những giò lan mình bán ra chỉ đủ tiêu chuẩn bên ngoài giống như lan đột biến, đồng thời khẳng định với người mua là đã có mặt hoa. Để tạo sự tin tưởng, Sỹ còn chụp ảnh, quay video hoa trên thân cây mẹ. Tuy nhiên, những bông hoa này được Sỹ mua về, dung keo gắn lên cây" - một cán bộ điều tra công an huyện Di Linh cho biết.
Tâm lý người mua tạo thuận lợi cho nhóm lừa đảo
Trao đổi về lan đột biến tiền tỷ, ông Nguyễn Văn Lâm - chủ một vườn lan ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ cho biết, nhiều đối tượng lợi dụng thông tin về những cuộc giao dịch tiền tỷ trong thời gian qua để lửa đảo, bán sản phẩm kém chất lượng với giá trên trời.
"Có một nghịch lý là đa phần những người mua lan hiện nay không có kinh nghiệm nhận biết lan đột biến. Họ mua chủ yếu dựa trên lòng tin và giá thành mà người bán đưa ra. Nếu người bán nói giá thành quá rẻ so với thị trường thì người mua không tin, cho rằng đó là lừa đảo..." - ông Lâm cho biết.
Từ đó, ông Lâm nhận định, phần nhiều bộ phận trồng lan hiện nay thể hiện sự quý trọng cây lan dựa trên giá thành giao dịch.
Theo ông Lâm, ngoài những chiêu trò lừa đảo trong giới chơi lan đã có từ lâu như gắn hoa - lá lan đột biến lên cây bình thường thì hiện nay còn xuất hiện chiêu trò viết giấy cam kết, tăng giá thành sản phẩm đánh vào tâm lý khách hàng, cây càng có giá trị cao càng khiến cho người mua bị kích thích sự tò mò, muốn sở hữu.
Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn táo tợn đến mức đem cây đến tận nhà người mua để giao dịch. Có những thương vụ ông Lâm được biết, người bán mang cây từ Phú Thọ vào trong TP. HCM để giao cho người mua, viết giấy cam kết tại nhà, có sự chứng kiến của nhiều người nhưng về sau vẫn là lừa đảo.
"Sở dĩ các đối tượng manh động như vậy là do nếu lừa đảo trót lọt sẽ kiếm được số tiền lớn. Hơn nữa, lan bán không có mặt hoa, có chăm tốt thì 2 - 3 năm sau mới trổ bông, khi đó chỉ dựa vào tờ giấy cam kết cũng chẳng biết người bán ở đâu mà tìm, nếu có tìm thì chưa chắc địa chỉ trên giấy tờ tùy thân của họ đã là thật, tất cả những loại giấy tờ này cũng có thể bị làm giả để phục vụ cho chiêu trò tinh vi mà đối tượng bày ra" - ông Lâm cho biết.
Ngoài ra, ông Lâm cũng nói thêm: "Nhiều người quan niệm về lan quý hiếm với lan "bờ rào". Nhưng nếu thực sự yêu cây, quý trọng cây lan thì không có loại nào là bờ rào cả, mỗi loại đều có vẻ đẹp riêng, đòi hỏi người chơi phải thực sự đam mê mới thấy hết được vẻ đẹp của nó".
(Theo Đất Việt)