Trâu, bò, lợn.. cần được thỏa mãn nhu cầu sinh học
Súc quyền hay phúc lợi động vật được hiểu là sự đảm bảo cho loài vật được đáp ứng những nhu cầu cơ bản như nhu cầu sinh học, không phải chịu đau đớn, sợ hãi, bị đói. Đặc biệt, động vật phải được sống trước giết mổ, được chết một cách phù hợp với từng giống loài.
Việc giết mổ như trên không chỉ là vấn đề nhân đạo, quyền súc vật còn là cách để chất lượng thịt được đảm bảo, ngon và an toàn. Các nghiên cứu trong những năm trở lại đây chỉ rõ rằng khi con vật chết trong sự đau đớn, giãy giụa, cơ thể nó sẽ tiết ra nhiều chất độc tố để chống chịu lại sợ hãi.
Những quyền lợi của động vật đã được quy định rõ trong Mục 2 của Luật Chăn nuôi 2018, hiệu lực từ 1/1/2020.
Cụ thể, Điều 68 cho biết cần phải đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi. Theo đó, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu đối với vật nuôi, gồm: Có chuồng trại, không gian, diện tích chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Hay Điều 70 quy định rõ về vấn đề nhân đạo với vật nuôi truong giết mổ. Luật yêu cầu chủ cơ sở giết mổ vật nuôi phải có cơ sở giết mổ bảo đảm vệ sinh, cung cấp nước uống phù hợp với loại vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ. Đặc biệt, cần phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ và có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết.
Những điều khoản này đã tiến bộ hơn rất nhiều so với Luật chăn nuôi trước đó, dày hơn trăm trang nhưng chỉ vài dòng ngắn quy định về quyền vật nuôi.
Đến câu chuyện hội nhập
Tháng 6/2016, trang Business Insider cho biết Hiệp hội Xuất khẩu gia súc Úc chính thức thông báo ngừng xuất khẩu bò cho 3 lò mổ tại Việt Nam vì những cáo buộc ngược đãi động vật.
Cụ thể, đoạn video cho thấy bò ở Việt Nam bị nhúng nước hoặc bị đập buá tạ vào đầu trước khi bị giết mổ được phát trên kênh truyền hình ABC Australia đã tạo nên làn sóng bất bình đối với dư luận nước này.
Ông Alison Penfold, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gia súc Australia đã nhấn mạnh hệ thống kiểm soát giết mổ gia súc hiện tại ở Việt Nam vẫn còn nhiều kẽ hở. Hành động của phía Australia đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều người trong ngành chăn nuôi Việt Nam bởi trước nay, người ta vốn không quen thuộc với "quyền động vật". Tuy nhiên, điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho vấn đề hội nhập.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT từng nhận định, việc giết mổ động vật như ở Việt Nam có thể trở thành rào cản kỹ thuật để các nước từ chối sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời ngăn chặn việc Việt Nam có quyền mua động vật từ các quốc gia khác.
"Việc giết mổ, chăn nuôi không chỉ cần đảm bảo vệ sinh mà còn phải nhân đạo với vật nuôi", ông cho biết.
Do vậy, Việt Nam khi đã hội nhập, cần buộc phải tuân theo luật chơi quốc tế, nếu không, sẽ là tự loại mình.
Thực tế, hiện chỉ có một số cơ sở giết mổ tập trung, quy mô lớn đã thực hiện được điều này. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen, nhận thức của đại đa số những người đang tham gia vào ngành chăn nuôi, cần có sự vận động, truyền thông đúng cách cũng như có những chế tài kiểm soát.
Theo ông Dương, sắp tới sẽ có nghị định chế tài xử phạt các vi phạm mà Luật đã đưa ra. Nghị định này được ông cho biết là đang xây dựng và sẽ đưa vào sau đó.