Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), người được Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng (Tổ Tư vấn) giao chủ trì chuyên đề rà soát 9 luật liên quan đến thực hiện dự án đầu tư - nhấn mạnh các quy định chồng chéo, vướng mắc đang làm mất cơ hội của nhà đầu tư , kìm hãm nền kinh tế bứt phá.
Sợ bị mất quyền lợi
Tờ trình về rà soát khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) trong thực hiện dự án đầu tư chỉ ra sự chồng chéo về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Tổ Tư vấn cũng cho biết có sự không tương thích trong thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư.
Theo Tổ Tư vấn, quy trình thực hiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất kéo dài và không quy định rõ thời hạn tại các văn bản quy phạm pháp luật; không rõ ràng và có sự khác biệt lớn về trình tự thủ tục đầu tư dự án quy mô trên 5.000 tỉ đồng giữa pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý vốn nhà nước và pháp luật về xây dựng. Bộ Xây dựng cũng ôm đồm dẫn đến ách tắc, chậm trễ quá mức trong thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư…
Về nguyên nhân dẫn đến hàng loạt rào cản, Tổ Tư vấn cho rằng do thủ tục đầu tư, xây dựng đối với một dự án được quy định phân tán tại nhiều văn bản luật và được thực hiện bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau. Đặc biệt, những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực này "dính" đến thẩm quyền của các cơ quan liên quan và các thủ tục hành chính do chính họ thực hiện. "Mỗi cải cách, thay đổi đều làm cho một hay một số cơ quan mất hoặc giảm dần quyền lực. Thực tế cho thấy những cơ quan, tổ chức bị mất quyền, mất lợi luôn chống lại những cải cách cần thiết" - Tổ Tư vấn nêu rõ.
Từ đó, Tổ Tư vấn đề xuất cải cách thực chất thủ tục hành chính trên lĩnh vực này không thể thiếu một cơ quan trung lập, khách quan và có thẩm quyền đủ mức để phối hợp, chỉ đạo được các bộ - ngành có liên quan như: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường…
Lĩnh vực bất động sản đang có nhiều quy định quản lý chồng chéo nhauẢnh: TẤN THẠNH
Không thể sửa từng luật
TS Nguyễn Đình Cung đánh giá vấn đề đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường liên quan chặt chẽ với nhau trong việc triển khai thực hiện một dự án đầu tư có xây dựng. Bởi vậy, hệ thống pháp luật liên quan cần được thiết kế trên tổng thể chiều ngang, không thể làm tách rời và chia cắt như hiện nay. "Chính vì người xây dựng luật thì cắt dọc còn nhà đầu tư thì phải tiếp cận theo chiều ngang nên dẫn đến quy định chồng chéo, trùng lặp, như ma trận. Cách tiếp cận luật như thế này đã không còn phù hợp với thực tiễn kinh doanh" - ông Cung chỉ ra.
Về hậu quả, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng nhà đầu tư bị đặt vào rủi ro rất lớn không riêng về kinh tế mà còn cả pháp lý. "Một vấn đề mà luật này thì nói thế này còn luật kia nói thế khác thì nhà đầu tư không biết làm thế nào? Cuối cùng, buộc phải tiến hành cùng lúc 2 luật, rất mất thời gian, trùng lặp không cần thiết, tốn chi phí. Còn nếu không làm thì trái pháp luật, khi đó không chỉ mất tiền, hỏng dự án mà có thể còn phải đối mặt với tù tội" - TS Cung phân tích.
Là người nhiều năm trực tiếp tìm hiểu, rà soát các điều kiện kinh doanh, ông Cung chỉ ra có 3 lĩnh vực kết nối với nhau để tạo ra môi trường kinh doanh. Một là điều kiện đầu tư xây dựng; hai là điều kiện kinh doanh và cuối cùng là thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó, điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được Chính phủ tập trung quan tâm rà soát, cắt giảm đáng kể, đạt được kết quả lớn. Chỉ còn nhóm điều kiện đầu tư xây dựng chưa được quan tâm với nguyên nhân là "không biết bắt đầu từ đâu, thủ tục quá phức tạp"!
"Bản thân CIEM đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến vấn đề này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng từng rất nỗ lực làm thông tư liên tịch liên thông thủ tục đầu tư đất đai, xây dựng, môi trường nhưng Bộ Tư pháp cho rằng trái quy định, còn Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng không hợp tác, cuối cùng thất bại… Người xây dựng luật sau này đã không nhìn vào thực tiễn cũng như các nghiên cứu, thử nghiệm để làm luật dẫn đến cách xây dựng từng luật riêng rẽ, trùng lắp" - TS Nguyễn Đình Cung chỉ ra và cho rằng để khắc phục, không thể sửa từng luật riêng rẽ.
Tạo điều kiện nhũng nhiễu
Thành viên của Tổ Tư vấn cho rằng luật hiện nay dẫn đến ai cũng muốn có quyền và lợi ích của mình, giằng kéo nhau. Chưa kể, còn tạo dư địa cho cán bộ, công chức cố ý gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư chần chừ, không dám bắt tay vào làm hoặc phát công văn đi hỏi ý kiến hướng dẫn của cấp có thẩm quyền phải chờ đợi mòn mỏi để rồi nhiều khi nhận được câu trả lời "cứ làm theo quy định"!
"Các bộ - ngành đang tranh giành nhau quyền quản lý. Giải quyết được tư duy cục bộ thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho nhà đầu tư" - một thành viên Tổ Tư vấn nói.