Chiều 6/6, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đọc tờ trình về dự án Luật Chứng khoán sửa đổi trước Quốc hội. Đây là bản dự án luật đã được Chính phủ hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc và Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cơ quan thẩm tra sơ bộ.
Theo tờ trình, sau 10 năm thi hành Luật Chứng khoán, thực tiễn đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về quy định của luật, sự thống nhất của Luật Chứng khoán với các luật khác có liên quan cũng như những hạn chế trong tổ chức thi hành Luật Chứng khoán.
Tờ trình cũng nêu rõ các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp trong khi việc thu thập thông tin để phát hiện, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về thẩm quyền, vì vậy kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý còn hạn chế.
Theo đó, việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi.vn
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bao gồm 10 chương, 136 điều. So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 97 điều, bổ sung 31 điều, bãi bỏ 31 điều và giữ nguyên 8 điều. Theo dự thảo luật, mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính về chứng khoán sẽ được tăng cao để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường
"Đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ... thì mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân", tờ trình nêu rõ.
Dự thảo luật cũng bổ sung một số quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong đó có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra....
Những quy định của dự thảo Luật nhằm mục đích khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán đạt hiệu quả, bảo đảm phù hợp với các luật khác có liên quan như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông....
Cũng về quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội dẫn quan điểm của các đại biểu cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần trở thành một cơ quan độc lập thuộc chính phủ là cần thiết để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng mở rộng với tốc độ tăng trưởng nhanh và đã trở thành nguồn cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế. Ngoài ra, nó cũng phù hợp hơn với các nguyên tắc quốc tế.