Hơn 2 năm có hiệu lực, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chỉ hỗ trợ được khu vực doanh nghiệp này trên... văn bản.
Báo cáo của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư cho thấy việc triển khai hỗ trợ Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa đang “có vấn đề”.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2017 (Luật số 04/2017/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước về ưu tiên phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.
Thế nhưng, trên thực tế, việc triển khai sau hơn 2 năm mới dừng lại ở việc ban hành... văn bản.
Hơn 2 năm có hiệu lực, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chỉ hỗ trợ được khu vực doanh nghiệp này trên… giấy. |
Báo cáo của Chính phủ đánh giá: Tổng hợp đánh giá 2 năm triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được các bộ, ngành và địa phương quan tâm, chủ động triển khai. Nhiều văn bản hướng dẫn, đề án, chương trình, kế hoạch triển khai Luật đã được các Bộ, ngành, địa phương ban hành và tổ chức tuyên truyền, phổ biến.
Ở cấp Trung ương, thực hiện các quy định của Luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tính đến nay, khuôn khổ pháp lý để triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cơ bản đã được hoàn thiện. Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 10 Thông tư hướng dẫn để triển khai các nội dung theo quy định của Luật. Ở cấp địa phương, gần 200 Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các nội dung của Luật đã được các địa phương ban hành.
Chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong việc thực thi Luật, báo cáo của Chính phủ đánh giá: Hầu hết kết quả triển khai Luật mới dừng ở cấp độ văn bản do các Bộ, ngành và địa phương ban hành hoặc lồng ghép trong các chương trình ngành, lĩnh vực (xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ,... ).
Mức độ ưu tiên dành nguồn lực ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Trên thực tế, nhiều đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương chưa được bố trí đủ hoặc chưa được đưa vào dự toán phân bổ ngân sách nhà nước kế hoạch trung hạn 2016-2020.
Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa triển khai được trên thực tế do quy định pháp lý chưa hoàn thiện hoặc chưa đồng bộ như: các chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế cho nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; chính sách cấp bù lãi suất; chính sách hỗ trợ các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, quy định về sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Mặt khác, hạn chế từ phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa như chưa chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; sổ sách kế toán chưa minh bạch; năng lực xây dựng kế hoạch, phương án đầu tư kinh doanh còn hạn chế dẫn đến uy tín với các ngân hàng còn thấp, khó tiếp cận được các khoản vay.
Lương Bằng