Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân cho biết đến thời điểm hiện nay Bộ được giao dự thảo 6 nghị định, 4 thông tư và đã hoàn thành các dự thảo. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã tiến hành thẩm định và dự kiến trước ngày 10/5/2024 Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Nội vụ và các địa phương cũng đang gấp rút hoàn thiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của mình, để trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo đủ các điều kiện báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực vào ngày 1/7/2024.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng được giao tham mưu với Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Bộ TN&MT đã hoàn thành các thủ tục, báo cáo Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Chúng tôi dự kiến sẽ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất để đảm bảo đồng bộ cả Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo các điều kiện về việc xây dựng văn bản.
"Thời gian vừa qua, Bộ TN&MT cũng phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024, có những hội nghị có hàng nghìn người tham gia cả trực tiếp và trực tuyến. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tích cực phối hợp với các địa phương để tiếp tục phổ biến", Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng cho biết, Bộ TN&MT cũng phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí và các cơ quan truyền thông khác tập trung đưa các thông tin về những chính sách mới của Luật Đất đai để người dân, doanh nghiệp, người sử dụng đất và các đối tượng có liên quan nắm bắt kịp thời, để khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thì cùng với các văn bản quy phạm pháp luật, nhận thức về Luật Đất đai mới sẽ tạo thành hành lang pháp lý đồng bộ trong việc đưa Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 18.
Về kỳ vọng, Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định Luật Đất đai 2024 thể chế hóa các chủ trương của Đảng, mà trọng tâm là Nghị quyết 18 về các chính sách đất đai. Ngoài các nội dung về chuyên môn như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giá đất, tài chính về đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, rồi xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai…
"Luật Đất đai 2024 đã được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các khâu trung gian, giảm bớt các chi phí tuân thủ và nâng cao trách nhiệm, tính chủ động cho chính quyền địa phương. Qua đó sẽ tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn được chỉ ra trong việc tổng kết Luật Đất đai 2013. Đồng thời rút ngắn được thời gian và chi phí trong việc giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản thì chúng ta đã nêu trong báo cáo của Chính phủ", Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết.
Một số chuyên gia cho biết Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2024 chưa quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng đất khi bị ảnh hưởng của trường hợp bất khả kháng. Việc không quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng đất khi xảy ra trường hợp bất khả kháng là phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì có thể dẫn đến lạm dụng của người sử dụng đất để viện dẫn quy định này và Nhà nước không thể thu hồi đất.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng Khoản 4 Điều 254 Luật Đất đai 2024 quy định về chuyển tiếp đối với Luật Đất đai năm 2013 liên quan đến vấn đề giá đất bồi thường và giá đất đất giao tái định cư có sự chênh lệch nhau. Quy định này được sửa đổi theo hướng bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Cụ thể, trường hợp chậm trễ trong bồi thường, giao đất tái định cư, mà có sự chênh lệch về giá tại thời điểm có quyết định phê duyệt bồi thường, tái định cư với thời điểm được giao đất tái định cư, thì sẽ áp dụng giá ở thời điểm nào có lợi hơn cho người có đất bị thu hồi.
"Tuy nhiên, quy định chưa thực sự chưa chặt chẽ, toàn diện và chưa giải quyết được triệt để các khiếu kiện phát sinh trong thực tế trước thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Luật chỉ điều chỉnh đối với trường hợp phát sinh chênh lệch sau thời điểm Luật có hiệu lực; đối với trường hợp sự chênh lệch về tiền sử dụng đất phải nộp của người được giao đất tái định cư so với thời điểm có quyết định thu hồi đất và quyết định phương án bồi thường, tái định cư đã có trước thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai 2024", bà Nga chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga cũng cho rằng Luật Đất đai 2024 chưa có quy định điều khoản chuyển tiếp đối với trường hợp nêu trên. Điều này sẽ rất khó khăn, vướng mắc cho Tòa án trong thời gian tới khi giải quyết về vụ việc. Do đó, cần bổ sung tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 ở nội dung này.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, về nội dung thu hồi đất của Luật Đất đai 2024, có hai trường hợp thu hồi đất là "Vì mục đích quốc phòng – an ninh và để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng". Hiện chỉ có hướng dẫn trình tự với trường hợp quốc phòng – an ninh, trường hợp còn lại chưa được đề cập, trong khi đây lại là vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm.
"Về cưỡng chế kiểm đếm và thu hồi, tại Điều 37 của Luật thì đây là một thủ tục mất rất nhiều thời gian, do đó, tôi đề nghị bổ sung thành "Sau khi UBND cấp huyện thông báo việc kiểm đếm để thu hồi, sau thời hạn 15 ngày kể từ thời điểm thông báo nếu, chủ sử dụng đất không đồng thuận, ban cưỡng chế sẽ vận động, thuyết phục, đối thoại trong thời hạn 5 ngày", ông Hiệp kiến nghị.