Luật Đất đai 2024 đã bỏ quy định về khung giá đất, đồng thời nhấn mạnh việc định giá đất phải theo nguyên tắc thị trường.
Khi bỏ khung giá đất, các địa phương sẽ tự quyết định bảng giá đất và điều chỉnh bảng giá đất mỗi năm một lần (nếu có thay đổi) để phù hợp với giá đất thị trường thay vì căn cứ vào giá đất tối thiểu - tối đa của khung giá đất do Chính phủ ban hành như hiện nay.
Tuy nhiên, bảng giá đất hiện hành sẽ được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2025 và từ ngày 01/01/2026, các tỉnh, thành trên cả nước sẽ công bố và áp dụng bảng giá đất mới. Điều này đồng nghĩa với việc, giá đất bồi thường mới có thể sẽ tăng từ 1/1/2026.
Luật Đất đai 2024 nhấn mạnh, việc xác định giá đất phải đảm bảo nguyên tắc thị trường và được áp dụng trong các trường hợp sau: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, trừ trường hợp cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất;
Tính thuế sử dụng đất; Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; Tính lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai; Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng; Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân;...
Việc bỏ khung giá đất theo Luật Đất đai 2024 sẽ giúp bảng giá đất mới sẽ tiệm cận với giá đất thị trường mà giá đền bù đất được tính theo giá đất cụ thể (trong đó có phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất thực hiện theo bảng giá đất), kéo theo giá đền bù đất có thể sẽ tăng so với hiện nay.
Theo nhận định của các chuyên gia, Luật Đất đai 2024 sẽ tác động và có ảnh hưởng đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội, cả người dân, doanh nghiệp, các tổ chức và Nhà nước đều được hưởng lợi.
Luật sư Lương Huy Hà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, quy định về bảng giá đất mỗi năm một lần theo giá thị trường, Nhà nước và người dân sẽ đều có lợi khi thực hiện đền bù, cũng như các việc liên quan đến giá đất tại thời điểm đền bù.
"Người dân khi bị thu hồi đất, quyền lợi sẽ tăng lên rất nhiều. Khi Nhà nước tổ chức giao đất cho các doanh nghiệp, cho thuê, hoặc giao đất có trả tiền sẽ thu được giá chính xác. Khi có bảng giá đất đúng bản chất, Nhà nước đo đếm được chênh lệch địa tô của đất đai là do Nhà nước chuyển đổi quy hoạch, xây dựng hạ tầng hay do người dân, doanh nghiệp đầu tư. Từ đó, Nhà nước có các chính sách phù hợp để thu thuế, điều tiết lại địa tô cho toàn dân. Đồng thời, quy định mới này góp phần minh bạch hơn thị trường bất động sản", ông Hà nhận định.
Còn theo bà Đỗ Thị Thu Giang, Giám đốc Tư vấn tại Savills Việt Nam, Luật Đất đai 2024 mang đến những thay đổi đáng kể về nguyên tắc xác định giá đất, tập trung vào việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Khi đó, đất sẽ được giao cho nhà đầu tư sẵn sàng trả mức giá cao nhất, mang lại lợi ích tốt hơn cho người bị thu hồi đất.
"Cách tiếp cận này giúp thúc đẩy giao đất và sử dụng đất hiệu quả hơn. Trong tương lai, khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá đất, các thông tin mua bán chuyển nhượng sẽ được công khai. Lúc này, người mua và người bán có thể truy cập để tìm hiểu thông tin giao dịch. Từ đó có nhận thức rõ ràng, giúp tăng cường tính minh bạch cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, việc mua bán chuyển nhượng bất động sản cũng sẽ diễn ra dễ dàng hơn, giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường", bà Giang chia sẻ.