Cùng với Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Bắc Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa cũng có nhiều ưu thế để xây dựng đặc khu kinh tế.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Bắc Vân Phong là khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế, có lợi thế so sánh về vị trí địa lý để phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng. Với lợi thế vượt trội cùng những cơ chế - chính sách đặc thù đang được nghiên cứu xây dựng, hy vọng vùng đất hoang sơ này sẽ trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư lớn.
Bắc Vân Phong còn khá hoang sơ.
Khu vực Bắc Vân Phong, thuộc huyện Vạn Ninh nằm rất gần với ngã ba các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng trên thế giới. Đây là vịnh lớn, tương đối kín và chắn gió tốt, có độ sâu từ 20 - 25m, một trong những vịnh tự nhiên tốt nhất vùng Đông Á, thuận lợi khu cảng nước sâu. Vân Phong có điều kiện để phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế.
Bắc Vân Phong gần với căn cứ quân sự Cam Ranh nên có thể phát triển các ngành nghề chế tạo, thiết bị phục vụ cho quốc phòng, tạo thành vùng công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghiệp quốc phòng. Tại đây cũng có nhiều thuận lợi cho việc phát triển các ngành nghề như: Dịch vụ cảng biển và hậu cần; Công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí; Dịch vụ du lịch...
Thế nhưng, cho đến nay, khu vực Bắc Vân Phong vẫn hoang sơ, cơ sở còn nghèo nàn. Những hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, cảng biển, nước sạch, môi trường… gần như chưa có gì.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa trăn trở: "Bắc Vân Phong là một khu vực có nhiều lợi thế. Đây là một vịnh kín gió, có điều kiện thời tiết, khí hậu, cảnh quan rất đẹp và cũng có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nhưng do đang chuẩn bị cho đặc khu, tỉnh thấy rằng, chưa chấp nhận cho nhiều nhà đầu tư vào đây. Riêng vấn đề an ninh quốc phòng thì cũng sẽ có những quy định riêng vì đây là vị trí chiến lược.".
Dễ chừng gần 10 năm nay, kể từ khi Cảng trung chuyển container quốc tế tại xã Vạn Thạnh được thi công một thời gian ngắn rồi dừng lại thì vùng vịnh Vân Phong cũng im lìm ngủ quên. Vì chờ đợi chủ trương thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt nên việc đầu tư làm ăn của các doanh nghiệp và người dân đều bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều khu du lịch tại các vị trí tuyệt đẹp bên bờ vịnh, thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi ngày nhưng các nhà đầu tư chỉ dám làm tranh tre, tổ chức các tua du lịch ngắn.
Các khu du lịch chỉ làm bằng vật liệu tạm.
Bà Đào Thị Long đang thuê đất để làm du lịch tại đảo Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh than thở: "Tôi thấy rất khó khăn, mình không thể nào đầu tư lớn được. Đầu tư nhỏ thì khách tới không vừa lòng, không được phục vụ tốt. Đầu tư lớn thì người ta lấy lúc nào người ta lấy, đền bù sẽ lỗ vốn. Vừa rồi bão quét qua một cái là không còn gì. Đâu phải có đầu tư kiên cố được, toàn bộ làm cây gỗ và tre thôi, chuyển ra rất khó. Nhưng khi làm xong rồi, đứng ngay họng gió là nó quét không còn chút nào".
Cuối năm 2017, dự thảo Luật đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt lần đầu tiên được trình tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Theo đó, có 3 nơi là Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong được lựa chọn để xem xét, xây dựng thành những đặc khu kinh tế. Thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu đồng tình trao quyền, quy định thể chế vượt trội cho các đặc khu.
Ông Lê Xuân Thân, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa, cho biết nước ta đã đi sau các quốc gia lân cận trong việc xây dựng đặc khu kinh tế từ 3-5 thập kỷ. Vì vậy, nếu tiếp tục chậm trễ sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội. Theo ông Lê Xuân Thân, tỉnh Khánh Hòa đã chờ đợi quá lâu việc xây dựng đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong với những cơ chế vượt trội.
"Các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thì ba vùng Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh đều có thế mạnh chung về du lịch. Cho nên các chính sách ưu đãi về du lịch đều thiết kế cho nó đều, bằng với nhau. Cụ thể, khách đến visa thế nào? Nhập cảnh ra sao? Thời gian lưu trú, đi lại, tất cả các nội dung đều giống nhau, chứ không phân biệt Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc. Nhưng các chính sách khác về kinh tế thì có ưu đãi đặc biệt, dựa theo thế mạnh của 3 địa phương" - ông Lê Xuân Thân cho biết.
Thực tế cho thấy, so với Vân Đồn, Phú Quốc thì Bắc Vân Phong đang còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ tạo nhiều thuận lợi cho vùng đất này bứt phá về phát triển kinh tế. Hy vọng trong tương lai gần, với những cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, vượt trội sẽ “đánh thức” tiềm năng của vùng đất Vân Phong còn “ngủ yên” từ nhiều năm qua./.